Cho con bú trực tiếp và rèn con tự lập (Phần 1)
Vì dự định viết khá dài nên mình sẽ chia ra làm 4 phần để các mẹ đọc đỡ bị hoa mắt và mình cũng có thời gian để viết. Dự kiến các phần sẽ gồm các ý như sau:
1. Phần 1: Một vài điểm quan trọng – Thời gian bú theo tháng tuổi – Làm thế nào để biết con bạn bú đủ hay chưa ? Cách đọ lượng sữa mẹ khi cho con bú trực tiếp – Cách tăng lượng sữa mẹ khi con rơi vào growth spurts.
2. Phần 2 : Cách đọc cue của con – Luyện tự ngủ – Giãn cữ – Luyện ti bình cho các bạn chê bình mê ti mẹ.
3. Phần 3: Cai ti đêm – Cai sữa.
4. Phần 4: Cho con bú khi con ww, ốm – Bú mẹ và BLW.
Bài viết của mình sẽ sử dụng kha khá kiến thức từ cuốn sách ” The Baby Whisperer Solves All Your Problems” của tác giả Tracy Hogg.
Lưu ý: Trong bài viết này mình sẽ sử dụng cụm từ ” CHO BÚ THEO NHU CẦU” và NHU CẦU cần hiểu ở đây là NHU CẦUĐÓI chứ không phải NHU CẦU là bất cứ khi nào con ĐÒI.
I. Một vài điểm quan trọng.
1. Trẻ bú mẹ trực tiếp đa số đều nghiện ti mẹ, nghiện hơi ấm của mẹ nặng do đó các bé thường đòi bú không chỉ vì đói mà còn vì buồn ngủ (khi bị gắt ngủ được bú 1 cái là ngủ liền vì có thuốc phiện mà), khi không có việc gì làm, khi mệt, khi muốn được mút mát , khi muốn được an ủi, vỗ về, khi khó ở, khi ị xong, đái xong, tóm lại là vân vân vi vi một ngàn lẻ lí do để rúc ti mẹ. Nếu mẹ không đọc kĩ cue của con thì sẽ rơi vào tình trạng con cứ đòi là mẹ lại cho bú, mà đã bú là ra sữa, đã ra sữa là ăn —> ăn vặt —> ngủ vặt. Ăn vặt ngủ vặt thì ảnh hưởng đến cả mẹ, cả con và cả bố nữa. Các mẹ Việt Nam thường không biết cách đọc cue của con và cũng vì không chịu được khi con khóc, con ọ ẹ nên thường rơi vào vòng luẩn quẩn ngày vạch áo đến vài chục lần. Để không rơi vào tình trạng đó một là các mẹ cần tìm hiểu các dấu hiệu của con khi nào đòi ti vì đói, khi nào đòi vì gắt ngủ, khi nào đòi vì mệt và cách dễ dàng hơn cả là thực hiện giãn cữ.
2. Các bạn bú mẹ trực tiếp còn gặp tình trạng ngủ khi bú chưa đủ no dẫn đến ngủ hơi tí là dậy, dậy lại đòi ti và tình trạng phải ti mẹ mới ngủ được. Để chấm dứt tình trạng này thì các mẹ cần học cách cho con bú đúng và đánh thức con dậy khi con ngủ quên trên vú mẹ. Sau đó là luyện con tự ngủ mà không cần ti mẹ.
3. Để rèn con tự ngủ, không ăn vặt thì trước khi thực hiện đọc cue, giãn cữ, luyện ngủ, phải có các điều kiện cần và đủ sau:
a. Mẹ có đủ sữa cho con bú.
b. Mẹ cho con bú đúng cách, đủ thời gian.
c. Có máy hút sữa với những mẹ cho con bú sữa mẹ 100%, các mẹ dặm thêm sct thì không cần thiết.
d. Thiết lập nếp sinh hoạt của con từ khi mới sinh.
II. Mẹ có đủ sữa cho con bú.
Cái này mình không bàn đến nữa, có quá nhiều hướng dẫn rồi. Mình chỉ nêu kinh nghiệm của bản thân:
Uống 15 cốc nước mỗi cốc 120ml 1 ngày bao gồm sữa tươi, chè vằng, nước, nước hoa quả, canh. Ăn uống đủ thứ, đồ nếp có ưu tiên hơn tí. 4 tháng đầu 4 tiếng hút sữa/lần. Cho con bú trực tiếp.
III. Cho con bú đúng cách, đủ thời gian.
1. Cho con bú đúng cách: Cái này mình cũng sẽ không nói đến nữa vì trong page Betibuti đã có những bài viết đúng chuyên môn về vấn đề này rồi, các mẹ bò sữa chắc cũng đã cày nát tài liệu rồi, mẹ nào chưa biết thì search Hội sữa mẹ Betibuti để đọc bài về khớp ngậm đúng.
LƯU Ý: Cho con bú cạn 1 bên vú rồi mới chuyển sang bên tiếp theo nhé.
2. Cho con bú đủ thời gian:
Sau đây là bảng thời gian cho bú dành cho các bé có cân nặng từ 3kg trở lên mình đã dịch lại từ bảng Feeding 101 trong sách ” The Baby Whisperer Solves All Your Problems” (Mẹ nào cần ảnh tiếng Anh của bảng này thì liên hệ mình nhé)
(Click vào hình để xem rõ hơn)
Lưu ý 1 : Cột thứ 3 – Mật độ dành cho các bạn cho con bú theo schedule, những bạn cho con bú theo yêu cầu chỉ cần xem với tính chất tham khảo.
Lưu ý 2: Có những bé từ khi mới sinh lực mút đã mạnh thì có khi chỉ cần 10, 15 phút là bé bú đủ no. Chìa khóa ở đây là nếu bé chỉ bú 10, 15 phút mà sau đó 3 tiếng mới đòi bú lại thì không việc gì phải cố gắng kéo dài thời gian bú của bé làm gì.
3. Làm thế nào khi con ngủ quên trên vú mẹ.
Các bạn bé khi được cho bú trực tiếp thường hay bị tình trạng ngủ chỉ sau 5 phút bú vì gặp được ” thuốc ngủ” mang tên oxytocin. Thường thì lúc đó các mẹ cứ nghĩ rằng con bú đủ rồi và để cho con ngủ. Và tình trạng con ngủ được 1 tí, thưởng là được 20,30 phút (sau khi oxytocin hết tác dụng) lại oe oe dậy đòi bú, các mẹ lại không biết vì sao con khóc (vì nghĩ vừa cho bú rồi), thế là lại check bỉm, lại nghĩ con gắt ngủ, lại ru con ngủ con lại vẫn khóc rồi mệt quá ngủ thiếp đi rồi 1 tí lại dậy lúc này mẹ lại cho bú và vòng luẩn quẩn ăn vặt ngủ vặt lại bắt đầu.
Đầu tiên thì các mẹ nên vắt bớt sữa đầu đi để con không bú phải quá nhiều oxytocin, nếu mẹ nào nhiều sữa thì có thể vắt gần hết sữa đầu đến lúc thấy sữa chuyển sang lờ nhờ hơi trong hơi đục thì cho con bú cũng được.
Nếu vắt bớt sữa rồi mà con vẫn ngủ quên thì chúng ta CẦN ĐÁNH THỨC CON DẬY để con bú cho đủ no, sau đó còn luyện con tự ngủ nữa.
Cách để đánh thức con dậy sau khi con ngủ quên thì có vài cách như sau:
1. Vuốt má con.
2. Xoa xoa lòng bàn tay con hoăc nghịch tay con ( Không bao giờ cù chân, tay con).
3. Bế đứng.
4. Thay bỉm cho con, kết hợp làm các động tác thể dục với cánh tay của con hoặc làm động tác đạp xe.
5. Với những bé ngủ quá say có thể áp 1 cái khăn lạnh lên má con.
Cố gắng kiên nhẫn đánh thức con 10 đến 15 phút để chất oxytocin hết tác dụng, sau đó thì cho bé bú lại ngay lập tức cho đến khi bé no.
4. Làm thế nào để biết bé bú đủ so với nhu cầu của bé ?
Cái này mình nghĩ chắc các mẹ cũng biết nhiều rồi, dựa vào cân nặng, vào bỉm, vào tinh thần của con…. Nhưng theo mình cách dễ nhất để biết con các mẹ có bú đủ hay không chính là quan sát giấc ngủ và thời gian thức của con. Ví dụ con bạn được 3 tháng: sau khi ăn xong bé thức được ít nhất 45 phút không đòi ăn, sau đó bé ngủ được ít nhất 1.5 tiếng không đòi ăn, đêm bé ngủ được ít nhất 4 tiếng không đòi ăn tức là con bạn đã bú đủ. Lưu ý với các mẹ là bé KHÔNG ĐÒI ĂN nhé, chứ không phải là không đòi bú đâu ạ vì nhiều bé gặp vấn đề với việc đi vào giấc ngủ, chuyển giấc, thêm thời gian mút mát (Suckling time) thì đều đòi BÚ cả. Cách phân biệt được các cue của con mình sẽ viết trong phần 2.
Trước khi hiểu rõ về cách đọc cue của con, có 1 cách để các mẹ dễ dàng biết được mỗi lần con bú được bao nhiều đấy là phương pháp đo sản lượng của Tracy Hogg. Cách làm như sau: (Cái này dịch nguyên văn theo sách The Baby whisperer nhé):
Hàng ngày , 15 phút trước khi cho con bú, mẹ hút sữa ra và xem sữa chảy ra được bao nhiêu. Giả sử bạn hút được 50ml thì bé nhà bạn sẽ bú được khoảng 85ml (với điều kiện không ngủ quên trên vú mẹ nhé) , bé bú trực tiếp bao giờ cũng bú được nhiều hơn hút sữa. Sau đó cho bé bú cạn bầu rồi cho bé ti nốt số sữa đã hút nếu bé chưa no ( Đây cũng là 1 cách để luyện ti bình, mình sẽ nói đến trong phần 2).
*** Đa số các mẹ thường than phiền rằng cho con bú mẹ chẳng biết con bú được bao nhiêu nên thích vắt ra bình để cho con ti cả ngày và dừng luôn việc cho con bú . Mình không phản đối chuyện đó vì đó là lựa chọn của các mẹ nhưng cá nhân mình thấy nếu con bạn có đầy đủ các dấu hiệu của 1 đứa trẻ bú đủ sữa thì việc đó là không cần thiết, cái cảm giác được ôm ấp con trong tay nghe tiếng con nuốt ừng ực từng dòng sữa vô cùng tuyệt diệu mà đứa bé được tiếp xúc với da mẹ, được cảm nhận hơi ấm của mẹ mới hạnh phúc và bình yên biết bao nhiêu. Hơn nữa, việc các mẹ vắt sữa cho con ti rồi đong đếm so sánh với các bé khác, sau đó lại có khi ép con bú thêm so với nhu cầu của con hoặc dặm thêm sct cho con thì mình thấy hoàn toàn không hay 1 tí nào. Trẻ con mỗi đứa 1 khác sao phải cứ nhìn con người khác rồi nuôi con mình, con bạn có nhìn mẹ người khác để đánh giá bạn không ?
5. Cách tăng lượng sữa mẹ khi con rơi vào growth spurts.
– Growth spurts thường xảy ra vào các thời điểm sau: Giữa 1-3 tuần, Giữa 6-8 tuần, 3,6,9 tháng. Growth spurts thường chỉ mất vài ngày. (Nguồn: http://www.whattoexpect.com/first-year/ask-heidi/baby-growth-spurts.aspx). Dấu hiệu như thế nào mời các mẹ xem trong link hoặc xem note của chị Hachun Lyonnet.
– Growth spurts ở những trẻ bú mẹ trực tiếp thường bị nhầm lẫn với việc khớp ngậm sai hoặc mẹ bị ít/giảm sữa, cả 2 vấn đề đều gây ra việc thức giấc giữa đêm nhưng thường xảy ra trước 6 tuần. Câu hỏi đặt ra là : Bé thức dậy đúng 1 giờ hàng đêm hay là giờ giấc thất thường? Nếu là thất thường và bé nhà bạn đang rơi vào tháng tuổi như đã nói ở trên cùng các dấu hiệu như trong link, thì chắc chắn là bé đang rơi vào growth spurts.
– Cách để tăng sản lượng sữa trong thời gian growth spurts : (Vì mẹ không đủ sữa bé rất dễ bú vặt và đòi ăn nhiều lần trong đêm hơn bình thường)
1. Cho bú thường xuyên hơn vào ban ngày: Ví dụ con bạn 3 tháng, bé đang bú theo chu kỳ 3 giờ 1 lần, khi vào growth spurts hãy cho bú theo chu kỳ 2.5 giờ/ lần. Sau growth spurts lại trở lại chu kỳ bình thường. Ban đêm bé vẫn bú theo chu kỳ bình thường.
2. Sau khi con bạn đã bú xong, bé nhả vú và có biểu hiện hài lòng, cho bé nghỉ vài phút rồi lại tiếp tục để bé mút chính bên vú bạn vừa cho bú thêm khoảng 5-10 phút nữa, cách này sẽ gửi tín hiệu đến cơ thể để sản xuất thêm sữa.
III. Tầm quan trọng của ROUTINE – NẾP SINH HOẠT.
Để chuẩn bị cho việc con ăn, ngủ đúng giờ, có kỉ luật các mẹ cần phải hiểu rằng BẮT BUỘC tạo cho con 1 NẾP SINH HOẠT cố định ngay từ khi mới sinh.
Nếp sinh hoạt ở đây có thể được hiểu như sau : Sáng 7h bạn dậy , bạn đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo. 7h30 bạn ăn sáng rồi 8h đi làm. Nếu hôm nào đó bạn dậy muộn hoặc có trục trặc gì đó thì cả ngày của bạn sẽ đảo lộn hoàn toàn. Nếp sinh hoạt của bé cũng vậy , nếu bạn cho bé vào một chu trình sinh hoạt cố định ngay từ khi sinh ra thì sẽ rất dễ dàng theo dõi các hoạt động của bé, sắp xếp thời gian cho bạn và gia đình đặc biệt là khi có một vấn đề gì đó chệch khỏi lịch hàng ngày, bạn sẽ biết không ổn ở chỗ nào và nhanh chóng sửa chữa hoặc cải thiện nó, có 1 routine ổn định còn giúp cho cả bé nữa, vì bé sẽ đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và dần hình thành thói quen ăn ngủ có giờ giấc một cách tự nhiên. Có nhiều mẹ inbox cho mình hỏi về việc luyện ăn, luyện ngủ , mình đều hỏi mẹ đó lịch sinh hoạt của bé và mẹ nào trả lời là bé không có lịch cố định, lung tung từ ngày này sang ngày khác thì thường mình rất bí vì không biết bắt đầu từ đâu, và quá trình rèn lại thì cực kỳ vất vả vì gần như phải luyện lại từ đầu cho bé.
Nếp sinh hoạt mà mình áp dụng và thấy vô cùng hợp lý cho bé nhà mình đó là theo chu trình E.A.S.Y của Tracy Hogg. E.A.S.Y bao gồm những gì :
E: Eat – Ăn Bú mẹ.
A: Activity – Ăn xong thì vận động nhé hoặc nói chuyện với mẹ …. Thời gian hoạt động sẽ tăng dần theo lứa tuổi. Với bé mới sinh là 10-15 phút, 3 tháng 45 phút, 6 tháng 1.5-2 tiếng….Bé ăn xong không nên đặt bé ngủ ngay mà cần cho bé thức ít nhất là 5 phút, để bé không bị nhầm lẫn rằng muốn ngủ thì phải ăn, không ăn thì không thể ngủ được.
S: Sleep – Ngủ.
Y: You – Khi bé ngủ là thời gian của bạn.
Lưu ý : E.A.S.Y không phải là schedule (Lịch trình), không phải bạn cứ đặt ra cái thời gian là 7h con thức thì đúng giờ đó bạn gọi con dậy. E.A.S.Y là nếp sinh hoạt, tức là ngày nào cũng như ngày nào, khi con bạn dậy vào lúc 7h thì bé sẽ được ăn rồi được chơi 30 phút, rồi sau đó con được đặt vào giường và tự ngủ, đến giờ dậy thì con lại tiếp tục 1 nếp sinh hoạt E.A.S.Y mới.
– E.A.S.Y không áp dụng cho giấc đêm. Khi con còn bú đêm, bạn cho bé bú rồi đặt bé nằm ngủ lại ngay.
– Các mẹ muốn rèn con, thì hãy thử quan sát trong vài ngày và viết lại nếp sinh hoạt của con, nếu nếp sinh hoạt của con gần như giống nhau trong các ngày đó (Có thể xê dịch 15,20 phút) tức là con các mẹ đã có 1 routines tương đối ổn định, giờ thì chỉ cần fix lại những chỗ mẹ thấy chưa ổn. Còn nếu nếp sinh hoạt lung tung thì sẽ có rất nhiều việc phải làm đấy ạ.
– Về E.A.S.Y mình sẽ chỉ nói qua thế này thôi, mình sẽ nói kĩ càng hơn vào 1 bài viết khác.
Hết phần 1.