Khen thưởng đúng cách – dễ mà hổng dễ

Khen thưởng cho con là một trong những cách thức tích cực khơi dậy động lực hợp tác và làm điều tốt ở con trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cần khen thưởng bé đúng cách, đúng lúc và phù hợp với hoàn cảnh để truyền cảm hứng cho trẻ tiếp tục cố gắng vào lần sau và khích lệ những khả năng tiềm ẩn của trẻ.

✅ Tăng cường sự tự tin cho trẻ

Khen thưởng đúng cách đem lại cảm giác dễ chịu và thúc đẩy trẻ hợp tác. Những lời nói khích lệ và phần thưởng phù hợp đáp ứng nhu cầu THUỘC VỀ của trẻ, khẳng định lại cảm giác của trẻ về năng lực và giá trị bản thân, đồng thời trao cho trẻ sự tự tin để tự xử lý các vấn đề khó khăn.

✅ Khuyến khích tính độc lập

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các bậc cha mẹ đó là chuẩn bị cho con có kỹ năng tự xử lý thành thục các vấn đề khó khăn. Để đạt được mục tiêu này thì cha mẹ cần dạy cho con các kỹ năng cần thiết và hạn chế sự can thiệp của mình. Sự khen thưởng tích cực đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Nó trao cho con cái chúng ta lòng can đảm và sự ủng hộ mà con cần để chấp nhận mạo hiểm và độc lập hành động.

✅Tạo động lực để tiếp tục duy trì hành vi tốt, giảm thiểu hành vi chưa tốt

Việc nắm bắt thời điểm trẻ em có hành vi tốt và khuyến khích trẻ ngay lúc đó có tác động kiến tạo động lực mạnh mẽ. Trẻ sẽ cảm thấy những nỗ lực của mình được công nhận và tiếp tục duy trì những hành vi tốt này của minh.

🔴 Quy tắc khen thưởng đúng cách dành cho cha mẹ

Trọng tâm thông điệp của cha mẹ nên NHẤN MẠNH VÀO MỤC TIÊU MÀ CHÚNG TA MUỐN CON ĐẠT ĐƯỢC, ví dụ như để con đưa ra những lựa chọn hợp lý hơn, cải thiện hành vi, gia tăng sự hợp tác và tính độc lập, và chịu trách nhiệm nhiều hơn với những hành động của mình. Do đó, việc hiểu rằng nên khích lệ con như thế nào, ra làm sao và vào lúc nào là chìa khóa để sử dụng phương pháp khen thưởng một cách hiệu quả.

✅Khen ngợi nỗ lực và và quá trình thực hiện mục tiêu của con

Một lời khen chung chúng kiểu “Thế này là giỏi rồi” hay “Thế này được rồi con ạ” sẽ không làm con thỏa mãn và không tạo động lực để con cố gắng hơn.

Cha mẹ có thể cung cấp thông tin và các kỹ năng mà bé cần để có thể giải quyết vấn đề và cư xử đúng đắn, sau đó hãy nhấn mạnh lòng tin của mình đối với con, rằng con có thể giải quyết được vấn đề. Sự khen thưởng của cha mẹ nên truyền tải thông điệp rằng: “Con có thể làm được. Bố/mẹ tin ở con.”

Do đó, hãy khen ngợi nỗ lực và quá trình cố gắng thực hiện nhiệm vụ của con. Nếu sự khen thưởng của cha mẹ dựa trên những nỗ lực của bé có nghĩa là dù kết quả không tốt như trẻ hoặc cha mẹ mong muốn nhưng bé đã vô cùng cố gắng, kiên nhẫn khi làm việc đó. CHA MẸ HIỂU NỖ LỰC CỦA CON, GHI NHẬN SỰ CỐNG GẮNG CỦA CON VÀ KHEN CON VÌ ĐÃ KHÔNG BỎ CUỘC.

Những lời khen sau đây có thể giúp bé có thêm động lực cố gắng hoàn thành mục tiêu

👍Hôm nay Cốm đã rất nỗ lực để cắt hình tròn. Mẹ tin rằng nếu con tiếp tục tập cắt, thì con sẽ cắt được hình tròn rất đẹp đấy.”

👍 “Mẹ tin rằng con đang rất tự hào vì mình đã nỗ lực để vẽ đúng hình tam giác. Mẹ tin là con cứ tập vẽ nhiều như hôm nay thì chắc chắn con sẽ vẽ được hình tam giác thật đẹp đấy.”

👍 “Hôm nay Cốm đã đọc tên đúng màu vàng, màu đỏ, màu xanh này, và con cũng đã cố gắng để phân biệt được màu nâu. Mẹ con mình cùng nhau tìm thật nhiều đồ vật màu nâu để con ghi nhớ nhé. Mẹ tin là rồi sẽ đến lúc con đọc tên màu nâu siêu như màu đỏ, màu vàng thôi.”

✅ Khen ngợi ngay khi con hợp tác, tập trung cụ thể vào hành động hợp tác của con chứ không phải một lời khen chung chung

Bất cứ khi nào các con giúp đỡ, hợp tác hoặc có hành vi tốt, cha mẹ hãy đưa ra một thông điệp khích lệ cụ thể để con có động lực để tiếp tục hợp tác và cư xử đúng mực.

Khi con hợp tác mà cha mẹ chỉ khen chung chung kiểu “Con giỏi quá” “Oa, siêu thế” sẽ khiến con thấy mông lung vì không biết là bố mẹ đang khen mình vì cái gì, hành vi nào của mình được bố mẹ khen và sau đó con có thể không biết là mình cần phải tiếp tục hành vi tốt nào,

Ngược lại, một lời khen ngợi cụ thể vào hành vi tốt con vừa làm, và đúng lúc con vừa có hành vi đó sẽ giúp con hiểu rõ “À vậy là mình làm việc này là bố mẹ rất vui, lần sau mình lại làm tiếp để được khen tiếp.”

Một số lời khen ngợi tạo động lực để con tiếp tục hợp tác và cư xử phù hợp là:

👍 “Tối nay Cốm đánh răng siêu siêu kỹ nên răng con sạch bóng rồi này.”

👍“Cốm dọn dẹp đồ chơi cực kỳ gọn gàng và còn nhanh nữa, mẹ vui lắm.”

👍 “Mẹ cám ơn Cốm vì đã giúp mẹ rửa bát. Nhờ con mà mẹ đỡ mệt hơn rất nhiều đấy”

👍 “Mẹ phải khoe ngay với bố rằng trưa nay, khi chơi với B, con đã không hề giành đồ chơi với bạn một tí nào.”

✅ Sử dụng kỹ năng buôn chuyện của bạn

Chức năng bà tám của bạn có thể phát huy tác dụng vào lúc này. Đơn giản là những lời rỉ tai với bố bé, hay với ông bà của bé khi gọi điện thoại và “vô tình” để bé nghe thấy sẽ khích lệ bé rất nhiều.

Cách làm rất đơn giản, khi nói chuyện điện thoại với người khác, hãy vô tinh nói thật to khi bạn khoe về hành vi tốt bé vừa làm hoặc thực hiện trong ngày ví dụ

👍Ôi bà ơi, bà biết không hôm nay Cốm đã giúp con quét nhà.”

👍 Bố vừa đi làm về, mẹ chạy ra khoe “Cả chiều hôm nay Cốm không ỉ ôi một tí nào. Con dậy xong con….” (Liệt kê những việc con đã làm”

Thủ thuật nhỏ nhưng có võ này cực có hiệu quả để con thấy tự hào về bản thân và càng phát huy những việc tốt mà mình đã làm.

❌ Tránh khen ngợi bằng cách so sánh con với bạn khác

Việc khen ngợi chỉ nên tập trung vào con và việc con đã, đang làm được, đánh giá sự tiến bộ của con ở lần này so với lần trước chứ không nên so sánh con với đứa trẻ khác dù là để khen con.

Việc so sánh khi khen ngợi sẽ khiến bé có đánh giá lệch lạc về bản thân cũng như về người khác. Từ đó, bé sẽ coi thường những bạn không bằng mình, hoặc nảy sinh tính đố kỵ nếu như lần sau những bạn đó lại làm tốt hơn bé.

❌ Cẩn thận với những lời tán thưởng quá mức và phần thưởng dễ dãi

Việc tâng bốc trẻ quá mức sẽ khiến trẻ kiêu căng và không còn động lực để cố gắng,.

Những lời khen chung chung như “Con của mẹ thật thông minh”, “Con của mẹ giỏi quá, cái gì cũng làm được hết” hay “Oa, con siêu thế” sẽ không khuyến khích trẻ làm tốt hơn vào lần sau, trái lại, trẻ sẽ nghĩ rằng dù mình làm gì thì mình vẫn cứ giỏi, vẫn cứ thông minh, vẫn cứ siêu mà nên cần cố gắng làm gì đâu, cần cư xử hợp tác làm chi nữa.

Thay vào đó, hãy khen ngợi sự cố gắng và nỗ lực của trẻ.

Cha mẹ cũng không nên quá dễ dãi trong việc trao thưởng cho con, Không phải cứ thấy khi nào con làm đúng thì cha mẹ liền thưởng cho con, hãy thưởng cho con khi con đã có những nỗ lực thực sự và đạt được những tiến bộ vượt bậc trong một việc so với những lần trước đây.

🔴 Các bước khen thưởng để khích lệ trẻ

Bước 1️⃣: Nhận diện hành vi mà bạn mong muốn con tiếp tục thực hiện hoặc thay đổi

Bước 2️⃣: Đặt ra giới hạn, hậu quả bất cứ khi nào con có hành vi không tốt

Bước 3️⃣: Đưa ra quy định về hành vi bạn đang muốn khích lệ và thông báo cho con về hệ thống khen thưởng của bạn.

✳️ Phần thưởng không nhất thiết phải là những thứ đắt tiền mà điều quan trọng là phần thưởng đó cần hợp lý, làm trẻ thích thú, hào hứng và có động lực để cố gắng hơn vào lần sau.

Ví dụ, khi con tự giác dọn dẹp bút màu sau khi vẽ xong, hãy thưởng cho con bằng cách tặng con một vài bút chì màu mới hoặc tặng thêm giấy, sách vẽ tranh cho con.

✳️ Phần thưởng có thể là phần thưởng tinh thần (ví dụ mẹ sẽ đọc thêm cho con 1 quyển sách, mẹ cho con chơi thêm 3 phút trước khi ngủ), chứ không nhất thiết phải là phần thưởng vật chất.

✳️ Bạn có thể sử dụng hệ thống sticker để quy định phần thưởng cho con, giúp con phát huy hành vi tốt và loại bỏ hành vi xấu. Độ khó của việc có phần thưởng cần được nâng cao và thời gian nhận phần thưởng cũng dài hơn khi trẻ đã có thói quen làm tốt một việc hay đã từ bỏ thói quen không hay trong một thời gian dài để trẻ không chăm chăm vào việc lấy phần thưởng.

Ví dụ: Khi con không ném đồ chơi 2 ngày liên tiếp, ta thưởng con 2 sao và con được nhận 1 phần thưởng. Sau đó, ta nâng lên nếu con không ném đồ chơi 4 ngày liên tiếp, được thưởng 4 sao thì lúc đó sẽ được nhận phần thưởng. Tiếp đến không ném đồ chơi 7 ngày liên tiếp… (Phần thưởng có thẻ là thêm 15 phút chơi đồ chơi, hoặc một món đồ chơi nhỏ xinh).

Chọn bảng khen thưởng cho bé tại đây

Con người cần 21 ngày để hình thành thói quen và 90 ngày để hình thành phản xạ. Nên bạn có thể giảm dần và dừng hẳn việc khen thưởng sau mốc 21 ngày (áp dụng cho mục tiêu giảm thiểu hành vi xấu và khích lệ hành vi tốt)

Bước 4️⃣: Kiên trì và thực hành đều đặn, nhất quán việc áp dụng kỷ luật và khen thưởng phù hợp. Không xao động hay thay đổi quy định liên tục. Sự thiếu nhất quán của bạn chính là lý do đầu tiên và lớn nhất để con vượt giới hạn.

Hương Đỗ - Mẹ Ong Bông

Tôi là Hương Đỗ - Tác giả, Dịch giả, Giảng viên với 9 năm nghiên cứu về nuôi dạy con. Đồng tác giả sách "Nuôi Con không phải là cuộc chiến", đạt giải Sách Hay 2017. Tôi chia sẻ kinh nghiệm về nếp sinh hoạt, ăn dặm, và kỷ luật tích cực, giúp cha mẹ Việt nuôi dạy con cái hiệu quả và nhẹ nhàng. Hãy theo dõi tôi tại: Facebook


Bài viết liên quan

Lịch trình Hà Nội – Hội An (đi ô tô) dành cho gia đình có trẻ em 8 ngày 7 đêm

Mẹ Ong Bông gửi tặng bạn lịch trình đi ô tô  từ Hà Nội đi ... Read More
Chuyên gia hướng dẫn chọn ghế ăn dặm phù hợp cho bé

Chuyên gia hướng dẫn chọn ghế ăn dặm phù hợp cho bé

Ghế ăn dặm là một trong những sản phẩm quan trọng không thể thiếu trong ... Read More
Top những thực phẩm hữu cơ cho bé mẹ không nên bỏ lỡ

Top những thực phẩm hữu cơ cho bé mẹ không nên bỏ lỡ

Thực phẩm hữu cơ – Organic food là một xu hướng ngày càng phổ biến ... Read More
Các chế phẩm từ sữa và lưu ý khi sử dụng

Các chế phẩm từ sữa và lưu ý khi sử dụng

Các chế phẩm từ sữa là những sản phẩm dinh dưỡng quen thuộc trong cuộc ... Read More