Chuyên gia hướng dẫn cách khơi dậy sự tò mò của trẻ

Ai trong chúng ta cũng biết rằng tò mò là một trong những đặc điểm đáng yêu nhất của trẻ thơ. Đôi mắt tò mò của con luôn chăm chú đắm chìm vào thế giới xung quanh, và từ những câu hỏi ngây thơ đến những khám phá đầy hứng thú, bố mẹ có thể thấy rõ rằng sự tò mò là nguồn động viên quý báu đối với sự phát triển của trẻ.

Tò mò không chỉ giúp trẻ hiểu rõ hơn về thế giới, mà còn làm cho con trở thành những người sáng tạo và tư duy nhanh nhẹn. Điều này không chỉ là quá trình học hỏi, mà còn là cuộc phiêu lưu trong thế giới của tri thức và khám phá.

Vậy làm thế nào để khơi dậy sự tò mò của trẻ, để trẻ luôn đặt ra những câu hỏi, tìm kiếm câu trả lời, và thăng tiến trong cuộc hành trình tò mò của mình? Hãy cùng Mẹ Ong Bông tìm hiểu qua những cách thú vị và bổ ích dưới đây.

Tại sao tò mò là tốt?

Tò mò là một khía cạnh quan trọng trong sự phát triển của trẻ và có nhiều lợi ích quan trọng. Dưới đây là một số lý do tại sao trẻ tò mò là tốt:

🌟 Tò mò khuyến khích trẻ tìm hiểu, khám phá và học hỏi về thế giới xung quanh. Điều này giúp trẻ tích luỹ kiến thức và kỹ năng mới mẻ.

🌟 Việc tự đặt ra các câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời giúp phát triển kỹ năng tư duy, logic và phân tích của trẻ.

🌟 Tò mò thúc đẩy sự sáng tạo và khả năng tưởng tượng của trẻ. Nó khuyến khích con nghĩ ra các ý tưởng mới và tìm cách giải quyết vấn đề.

🌟 Khi trẻ tự mình tìm hiểu và khám phá, con phát triển sự tự tin trong khả năng của mình. Điều này cũng giúp tăng cường tự trọng và lòng tự tin.

🌟 Tò mò làm cho học tập trở nên thú vị hơn. Trẻ tò mò thường có động lực hơn để nghiên cứu và học hỏi.

🌟 Tò mò giúp trẻ học cách thích nghi và giải quyết các vấn đề. Khi con gặp khó khăn hoặc thách thức, con thường tìm cách tìm hiểu và tìm giải pháp.

🌟 Tò mò khuyến khích tư duy phê phán, tức là khả năng đặt ra câu hỏi về thông tin, đánh giá tính xác thực của nguồn thông tin và suy luận logic.

🌟 Tò mò giúp trẻ tạo liên kết với thế giới xung quanh họ. Con có cơ hội hiểu sâu hơn về người khác, về tự nhiên, và về xã hội.

🌟 Tò mò có thể thúc đẩy sự phát triển tâm hồn của trẻ. Con có thể tự hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, về đạo đức và giá trị cá nhân.

Một số cách khơi dậy sự tò mò của trẻ của trẻ từ 1 đến 6 tuổi

Một số cách khơi dậy sự tò mò của trẻ của trẻ từ 1 đến 6 tuổi

Hãy dắt con đi dạo ngoài công viên và tự hỏi về cây cối, bầu trời và mọi thứ xung quanh như “ Cây sống được là do những yếu tố nào?” “ Cây có cần không khí như chúng ta không?”

Đồng thời hãy chia sẻ với con về những lĩnh vực mà bạn am hiểu nhất, những sở thích, sở trường mà bạn đã dày công tìm tòi, đào sâu:

🌸 Bố có thể cho con thấy cách bố chơi đàn guitar và cách bố tận hưởng âm nhạc. Cùng con tập những nốt nhạc đầu tiên

🌸 Mẹ có thể cùng con vẽ tranh, làm các đồ thủ công đơn giản nếu mẹ là người khéo tay và thích lọ mọ.

🌸 Bố mẹ có thể dẫn con đi chọn một loài cây yêu thích, rồi cùng con trồng và chăm sóc cây lớn lên hay giải thích cho con về ý nghĩa của các loài hoa, loài cây mà vườn nhà đang có, cũng như cách chăm sóc cho những loại thực vật đó

🌸 Nếu bố mẹ thích nấu ăn, hãy để con được chứng kiến niềm hạnh phúc của bạn khi được đắm chìm trong căn bếp và nấu những món ăn ngon cho cả nhà.

Hãy đặt những câu hỏi mở cho con, thay vì chỉ sử dụng câu hỏi đóng.

Ví dụ, thay vì hỏi “Con có thích siêu nhân không?” Hãy hỏi
“Nếu con có siêu năng lực, con sẽ muốn làm gì?” hay “Nếu được chọn làm siêu anh hùng, con sẽ muốn được làm siêu nhân hay người dơi? Vì sao?”

Nhờ những câu hỏi mở, con sẽ cần động não nhiều hơn, và bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn để tìm câu trả lời cho những câu hỏi này.

Bố mẹ có thể kể cho trẻ nghe câu chuyện với một cái kết mở, nơi trẻ có thể sáng tạo và suy nghĩ về cách câu chuyện có thể tiếp tục hoặc kết thúc.

Ví dụ, “Và thế là cuối cùng, Thỏ Con đã tìm được mẹ. Và thế là hai mẹ con cùng đi về nhà. Trên đường về, Thỏ Con và Thỏ Mẹ đã gặp được rất nhiều người bạn mới. Theo con, hai mẹ con nhà Thỏ đã gặp được những ai? Và liệu chúng sẽ nói chuyện gì với nhau nhỉ? Liệu Thỏ Mẹ và Thỏ Con có còn gặp nguy hiểm nào nữa không?”

Kể những câu chuyện có kết thúc mở

Điều quan trọng là bố mẹ cần tạo cơ hội cho trẻ để trẻ có thể thể hiện bản thân và phát triển bản thân. Khi con bày tỏ sở thích với một lĩnh vực nhất định, ví dụ con thích vẽ, hãy đặt ra những câu hỏi để con củng cố niềm yêu thích đó của mình như “Ồ, hoá ra con thích vẽ. Mẹ tự hỏi sao con lại thích vẽ thay vì nhảy múa nhỉ?” Hay “Khi con thích vẽ thì con sẽ mong muốn vẽ những gì? Con thích được vẽ con vật hay vẽ cây cối hay vẽ mọi người?”

Đồng thời, hãy khuyến khích trẻ kiên trì với sở thích đó. Trẻ em, nhất là trẻ nhỏ có thể nản lòng nếu gặp phải thất bại hoặc những điều chưa đúng kỳ vọng trong quá trình trẻ theo đuổi sở thích, như một bức vẽ không ưng ý, một bài nhạc quá khó. Những lúc như vậy, cha mẹ cần thấu hiểu cảm xúc của con, chia sẻ sự đồng cảm với con và cùng con tìm ra những điểm yêu thích, những điểm hay ho, đáng nhớ của sở thích. Cũng như trao đổi lại về mục tiêu mà con mong muốn khi luyện tập sở thích đó. Có như vậy trẻ mới kiên trì tập luyện, tiếp tục tò mò đào sâu vào những lĩnh vực mình có hứng thú được. Và có như vậy trẻ mới không hình thành tính cả thèm chóng chán, khiến con càng ngày càng không có nhu cầu tò mò với thế giới xung quanh.

Cuộc sống luôn đầy bất ngờ và kỳ thú, và bố mẹ có thể chia sẻ những trải nghiệm này với trẻ. Hãy cho trẻ tham gia vào những hoạt động không thuộc lịch trình hàng ngày, như một chuyến picnic bất ngờ, một buổi thả diều sau giờ tan học thay vì đi về nhà luôn, hay đơn giản là khám phá một con đường đi học mới thay vì con đường hàng ngày, hay cách buộc dây giày mới, hoặc cách làm món ăn mới mà bố mẹ vừa tìm hiểu được.

Hày cùng con tìm tòi những điểm mới và để con tham gia vào những thử nghiệm của bạn. Khi đó, con sẽ nhận ra thế giới có quá nhiều điều cần học hỏi và cần sáng tạo.

Khi trẻ hỏi, tức là trẻ đang tò mò và phát triển khả năng hiểu biết của mình về thế giới xung quanh . Do đó, hãy khuyến khích trẻ cùng suy nghĩ, cùng tìm hiểu với bạn để khích lệ con và để con có động lực tụ tìm tòi, khám phá sự thú vị của tri thức. Do đó, khi con hỏi, thay vì việc luôn có sẵn câu trả lời và trả lời cho con ngay lập tức, hãy tạo cơ hội cho trẻ tự trả lời trước.

Một tips đơn giản mà cha mẹ hay áp dụng đó là khi con hỏi, thì bố mẹ sẽ hỏi ngược lại. Ví dụ, khi trẻ hỏi “Mẹ ơi vì sao trái đất lại hình tròn?” Bố mẹ sẽ hỏi “Thế theo con, vì sao trái đất lại là hình tròn mà không phải hình khác nhỉ?” Và rất nhiều bé đã có thể tư duy để đưa ra câu trả lời cho riêng mình. Sau đó, bố mẹ đặt ra tiếp một số câu hỏi để dẫn dắt về câu trả lời đúng và đầy đủ, cuối cùng để con tóm tắt lại.

Một số bé có thể sẽ không chịu trả lời ngay, và thường nói là “Con không biết.” vậy thì bố mẹ có thể chia nhỏ câu trả lời của mình thành những câu hỏi nhỏ hơn để dẫn dắt đến câu trả lời.

Ví dụ con hỏi “Mẹ ơi vì sao con người lại đi ị?” thì bạn có thể hỏi những câu hỏi nhỏ như “Khi con người ăn thức ăn thì thức ăn chui vào đâu con nhỉ?” –> “Sau khi thức ăn chui vào dạ dày thì dạ dày sẽ làm gì?” –> “Dạ dày không tiêu hoá hết thức ăn, thì thức ăn sẽ đi đâu?” Cuối cùng là tổng kết lại “Vậy thì con đã biết được vì sao con người lại đi ị chưa?con giảng lại cho bố mẹ nhé”

Hoặc với một số câu hỏi khoa học, cha mẹ có thể để con tìm câu trả lời thông qua các thí nghiệm. Ví dụ như câu hỏi “Cầu vồng xuất hiện như thế nào?” là một câu hỏi chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng thí nghiệm đơn giản để con tìm ra câu trả lời

Đối với những câu hỏi của trẻ mà bạn không có câu trả lời, hãy cứ mạnh dạn nói răng bố/mẹ cũng không biết mình cùng tìm hiểu nhé. Sau đó, có thể mua sách về các chủ đề đó và đọc cùng con, hoặc tìm hiểu trên mang hay qua AI. Vậy là bạn vừa có thời gian chất lượng cùng con, vừa tự nhiên kích thích sự tìm tòi câu trả lời của trẻ.

Việc trả lời các câu hỏi của con và khuyến khích sự tò mò của con trẻ là cách tuyệt vời để giúp trẻ phát triển kiến thức và tư duy logic. Đồng thời, nó cũng tạo dựng mối quan hệ mạnh mẽ giữa cha mẹ và con.

Du lịch và khám phá các vùng đất mới

Du lịch và khám phá các vùng đất mới có thể là một cơ hội tuyệt vời để trẻ phát triển sự tò mò và trí sáng tạo. Khi trẻ được đưa đến các địa điểm mới, con có cơ hội thấy những thứ mà con chưa từng thấy trước đây, trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên khác biệt, và học hỏi về thế giới xung quanh mình.

Cha mẹ có thể khuyến khích sự tò mò của trẻ bằng cách đặt cho con nhiều câu hỏi về những gì con thấy và trải nghiệm trong hành trình.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích trẻ sáng tạo khi vui chơi cũng giúp phát triển trì tò mò của con trẻ.

Ví dụ bạn có thể đề xuất con sáng tạo ra một luật chơi mơi cho trò chơi, điều này đòi hỏi con phải suy nghĩ và tìm hiểu để đưa ra luật chơi hợp lý. Hay với các trò chơi sáng tạo và trò chơi giả vờ, con sẽ cần suy nghĩ những kịch bản cho trò chơi, lúc này trí tò mò sẽ phát huy tác dụng khi trẻ đặt câu hỏi, và tìm tòi để nghĩ ra những kịch bản phù hợp hoặc các thiết kế phù hợp cho các sản phẩm sáng tạo của mình.

Với các hoạt động thủ công, trí tò mò sẽ được kích hoạt khi con học cách sử dụng, làm chủ nguyên vật liệu và tìm ra cách để thực hiện các công đoạn được nhanh chóng, hoàn chỉnh và đẹp đẽ hơn. .

Thường xuyên cho bé đi thư viện

Thường xuyên cho bé đi thư viện

Với những trẻ lớn hơn, đã biết đọc, bố mẹ có thể dành thời gian một đến hai ngày cố định trong tuần để dắt bé đi thư viện. Sách là nơi cung cấp tri thức, là cửa sổ dẫn đến mọi thế giới cũng như đưa ra những câu trả lời cho sự tò mò của trẻ.

Trẻ nhỏ khi tiếp xúc với sách lớn lên sẽ thành người thích đọc, thích tìm hiểu kiến thức. Hãy để trẻ tự chọn sách cho mình. Các nghiên cứu cho rằng việc trẻ chọn sách khoa học vũ trụ hay truyền tranh không quan trọng, điều quan trọng là chúng thu hút được sự quan tâm và thích đọc.

Tương tự việc xây dựng thói quen đọc sách từ nhỏ khi ở trong gia đình cũng là điều chúng ta cần làm để phát triển trí tò mò cho con trẻ.

Tạo môi trường cho bé tìm tòi học hỏi

Các nghiên cứu cho rằng, trẻ sơ sinh dành ⅕ thời gian hằng ngày để quan sát và tò mò về những thứ xung quanh.

Những hành động bình thường của người lớn cũng hấp dẫn trẻ một cách cực kỳ, luôn có những câu hỏi chạy quanh đầu bé như “ tại sao mẹ lại quét nhà?” “ tại sao anh Bin có thể giữ thăng bằng trên xe đạp?” “ làm thế nào để xe đạp di chuyển?” hay đơn giản chỉ là “ tại sao khi lắp ghép 2 khối hình vuông lại thành 1 hình chữ nhật?”.

Vậy nên khi thực hiện các hoạt động trong gia đình, hãy luôn dành thời gian giải thích cho bé bố mẹ đang làm gì, vì sao bố mẹ lại làm điều này, làm như vậy thì sẽ có điểm gì tốt, điểm gì chưa tốt. Bạn thậm chí có thể hỏi ý kiến của con, để xem con có thể nghĩ ra cách cải tiến cho những việc bố mẹ đang làm hay không. Đây chính là cách chúng ta tạo môi trường cho trẻ thiết lập thói quen tìm tòi, khám phá mỗi ngày.

Hương Đỗ - Mẹ Ong Bông

Tôi là Hương Đỗ - Tác giả, Dịch giả, Giảng viên với 9 năm nghiên cứu về nuôi dạy con. Đồng tác giả sách "Nuôi Con không phải là cuộc chiến", đạt giải Sách Hay 2017. Tôi chia sẻ kinh nghiệm về nếp sinh hoạt, ăn dặm, và kỷ luật tích cực, giúp cha mẹ Việt nuôi dạy con cái hiệu quả và nhẹ nhàng. Hãy theo dõi tôi tại: Facebook


Bài viết liên quan

20+ đồ dùng ăn dặm tham khảo

2. Ghế ăn dặm Joie (ghế cao) 3. Ghế ăn dặm Mastela (ghế thấp) 4. ... Read More
30+ Thực Đơn Ăn Dặm Cho Bé 9 Tháng Tuổi Bổ Dưỡng

30+ Thực Đơn Ăn Dặm Cho Bé 9 Tháng Tuổi Bổ Dưỡng

Độ tuổi 9 tháng của bé là thời điểm thú vị và quan trọng trong ... Read More
Top 5+ phô mai cho bé ăn dặm thơm ngon

Top 5+ phô mai cho bé ăn dặm thơm ngon

Khi bắt đầu gia nhập thế giới của ăn dặm, việc lựa chọn các loại ... Read More
10+ Cách nấu cháo lươn cho bé ăn dặm đơn giản

10+ Cách nấu cháo lươn cho bé ăn dặm đơn giản

Cháo lươn là một món ăn dặm bổ dưỡng và thơm ngon, đặc biệt phù ... Read More

20+ đồ dùng ăn dặm tham khảo

Xem thêm