Khủng hoảng tuổi 2-3 của những em bé có em sớm: hiểu nhu cầu đằng sau những hành vi của trẻ

“Mẹ chỉ yêu em, không yêu con!” – cậu bé 3 tuổi hét lên, mặt đỏ bừng và sẵn sàng cho một cơn giận dữ hoành tráng. Nhưng đó chỉ là phần mở đầu. Tiếp theo là: “Con muốn mẹ chơi với con!”, “Con muốn ngủ với mẹ!”, và “Con ghét em!”

Chào mừng bạn đến với thế giới “đầy mâu thuẫn” của “Bé lên 3 bé có em sớm” – nơi mà mỗi ngày đều là một tập mới của series drama đầy nước mắt của những cơn ăn vạ và giận dỗi!

Sau nhiều năm quan sát và đồng hành cùng các gia đình có hai em bé sinh gần nhau, mình đã chứng kiến vô số “màn trình diễn” đáng nhớ của các bé 2-3-4 tuổi khi lên chức anh/chị trong khi chính bản thân các bé vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng 6 năm đầu đời. Dù có nhiều lý do để cha mẹ quyết định sinh hai em bé gần tuổi nhau – nhưng rõ ràng là, trong đa số các gia đình, việc sinh bé nhỏ khi bé lớn vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng tạo nên những thách thức không hề nhỏ.

HIỂU VỀ KHỦNG HOẢNG TUỔI 2-3

Khủng hoảng tuổi lên 2 và lên 3 được hiểu là khoảng thời gian mà con đang trải qua sự thay đổi lớn về nhận thức và cảm xúc xã hội, khi đó hành vi thể hiện ra ngoài là sự bướng bỉnh hoặc khó kiểm soát. Dựa trên khoa học não bộ và hành vi, chúng ta có thể hiểu hiện tượng này như sau:

Ở giai đoạn này, não bộ của trẻ đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là vùng vỏ não trước trán – phần chịu trách nhiệm cho việc kiểm soát hành vi và đưa ra quyết định. Tuy nhiên, phần này chưa phát triển hoàn thiện, khiến trẻ khó kiểm soát cảm xúc và có xu hướng hành động theo bản năng.

Trẻ 1-3 tuổi bắt đầu phát triển ý thức về bản thân và cảm giác tự chủ. Khi trẻ nhận ra mình là một cá thể riêng biệt, trẻ muốn thử nghiệm khả năng ảnh hưởng đến thế giới xung quanh.

Ở độ tuổi này, trẻ còn chưa phát triển đầy đủ khả năng đặt mình vào vị trí người khác. Trẻ nhìn thế giới chủ yếu từ góc độ của bản thân, nên khó nhận thức được hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

Khả năng ngôn ngữ của trẻ còn hạn chế. Trẻ 2-3 tuổi có thể hiểu nhiều hơn những gì chúng có thể diễn đạt. Khi trẻ không thể dùng lời nói để biểu đạt nhu cầu, mong muốn hoặc cảm xúc phức tạp, chúng thường chuyển sang biểu đạt qua hành vi.

KHI CÁC BÉ CÓ EM SỚM

Khi các bé đang trong giai đoạn khủng hoảng lên 2 hoặc lên 3 mà có thêm em, tình hình có thể trở nên phức tạp hơn nhiều. Điều này tạo ra “cơn bão hoàn hảo” về mặt phát triển tâm lý và cảm xúc cho trẻ:

2-3 tuổi vốn là thời điểm mà trẻ mới chỉ hiểu được về “Thế giới chỉ xoay quanh mình”. Não bộ của con đang rất cần được xác nhận về vị trí “đặc quyền” của mình với cha mẹ, nhu cầu kết nối và tương tác của trẻ với cha mẹ cực kỳ cao. Nhưng đột nhiên, sự chú ý của bố mẹ lại phải chia sẻ với một em bé khác, con không còn là “độc tôn” trong cuộc sống của cha mẹ. Con cảm thấy hoang mang khi mình đã để mất vị thế vào tay một em bé khác.

Hơn nữa, với trẻ em định nghĩa thời gian được hiểu rất đơn giản, cha mẹ dành nhiều thời gian cho bé tức là cha mẹ yêu bé. Khi em bé mới sinh chiếm mất quỹ thời gian của cha mẹ, đặc biệt là người mẹ – người có sợi dây liên kết tình cảm vô cùng thiêng liêng với bé – cảm giác lo sợ rằng mình đang bị “mất đi tình yêu” của cha mẹ càng ngày càng dâng cao theo thời gian.

Nhưng một điều trớ trêu là con trẻ tuổi này không có đủ khả năng ngôn ngữ để diễn đạt nỗi lo sợ “mất vị trí” hay “mất tình yêu” này, nên con thường biểu hiện qua hành vi gây sự chú ý như:

Thụt lùi về hành vi: Ví dụ sau khi bé nhỏ chào đời, một cậu chàng 3 tuổi nọ đã biết ngồi bồn cầu bỗng nhiên tè dầm hoặc ị đùn và đòi mặc bỉm trở lại, hay một bé 2 tuổi bỗng nhiên tỉnh dậy khóc đêm dù trước đó con đã ngủ xuyên đêm và không cần ngủ chung với bố mẹ.

Bắt chước hành vi của em: Một bé trai 2.5 tuổi đòi thứ gì không được là lăn ra khóc, vì nhận thấy rằng chỉ cần em bé khóc là cha mẹ chạy lại ngay.

Tranh giành đồ với người khác hoặc với em: Hoặc là trẻ sẽ không cho mẹ sử dụng bất cứ thứ gì mà trẻ đã, đang sử dụng để giúp cho em.

Thể hiện sự ghen tị trực tiếp: Khi thấy mẹ bế em là gạt em ra.

Cố gắng thu hút sự chú ý bằng hành vi tiêu cực: Ví dụ như cố tình làm đổ đồ ăn, la hét, ném đồ chơi vào những lúc mẹ đang bận rộn với em bé nhất.

Có hành vi hung hăng với em: Có thể véo, đẩy, hoặc cố “ôm” em quá chặt khi không có người lớn chú ý.

Mình đã từng gặp một trường hợp thế này: Bé Míti 2 tuổi 8 tháng có em bé 5 tháng tuổi. Trước đây, vào bữa tối với bố mẹ, bé ăn rất ngoan và đã có thể tự xúc. Nhưng kể từ khi có em, bé thường xuyên làm đổ thức ăn, ném thìa xuống sàn và khóc lóc đòi bố đút cho ăn trong lúc mẹ đang cho em ngủ. Bố mẹ áp dụng các biện pháp kỷ luật bàn ăn bao gồm cả để cho bé đói nhưng không hiệu quả. Tình trạng kéo dài suốt 4 tháng và càng ngày càng tệ hơn, bố mẹ thử đủ mọi cách bao gồm cả quát mắng và đã từng nghĩ đến chuyện tác động vật lý. Tất cả chỉ vì cha mẹ không nhận ra rằng những hành vi của con là cách duy nhất bé có thể diễn đạt nỗi sợ bị bỏ rơi và khao khát sự chú ý của mình.

Tất nhiên, nhiều cha mẹ có thể phản biện rằng, “nhưng con vẫn rất yêu em mà, con luôn nựng nịu em, và muốn chơi cùng em, tại sao con vẫn giở chứng như thế?”. Bạn cần tách biệt hai điều này với nhau, trẻ yêu em không có nghĩa là con không khủng hoảng, con không có những nỗi lo sợ của riêng mình. Hãy nhớ rằng kể cả với những trẻ không có em ở giai đoạn này, hành vi của con vẫn rất sáng nắng chiều mưa. Đó là đặc điểm phát triển của bé ở tuổi này rồi.

CÁCH ỨNG XỬ CỦA BỐ MẸ

Bố mẹ nên hiểu cho vấn đề của con và coi đó là một chuyện bình thường cần phải xảy ra. Bố mẹ nên đặt ra những câu hỏi để đặt mình vào vị trí của con để hiểu nhu cầu của con.

Khi con muốn được làm những việc giống như em hay muốn bố mẹ đối xử giống như em, hãy dành một khoảng thời gian ngắn riêng tư với con mỗi ngày. Trong thời gian này, con sẽ được lựa chọn hoạt động mà con thích, và mẹ chỉ tập trung vào con mà thôi.

Hãy giao tiếp dựa trên khả năng ngôn ngữ của trẻ, không phải dựa trên kỳ vọng của bạn. Khả năng hiểu và diễn đạt của trẻ 2-3 tuổi còn nhiều hạn chế, nên lời trò chuyện hay nhắc nhở cần ngắn gọn, rõ ràng và cụ thể.

Dù trẻ có em hay không, việc dạy con gọi tên cảm xúc và làm chủ cảm xúc đều rất quan trọng. Trẻ chưa nói sõi, bạn dạy con bằng cách sử dụng các thẻ cảm xúc để bộc lộ cảm giác của mình. Trẻ đã biết nói, bạn dạy con nói ra cảm xúc của con thông qua các trò chơi cảm xúc.

Khi dạy trẻ gọi tên cảm xúc, bạn hãy làm mẫu trước cách bạn gọi tên cảm xúc của con: “Mẹ biết con buồn vì con muốn chơi với mẹ, mà mẹ lại ru em ngủ.” – Rồi đề xuất giải pháp thay thế: “Vậy nên giờ trước khi cho em ngủ mẹ sẽ chơi cùng con trong 10 phút, chỉ có 2 mẹ con mình thôi nhé!”

Quy định gia đình cực kỳ quan trọng, nó là nền tảng để trẻ biết giới hạn của mình nằm ở đâu. Bố mẹ có thể in quy định gia đình bằng hình ảnh dán ở trong nhà và trao đổi với con về quy định, và nếu con làm không đúng quy định thì sẽ có hậu quả tương ứng.

Bố mẹ có thể chọn cách xử lý khi con không nghe lời bằng kỹ thuật đếm 1-2-3: bố mẹ cảnh báo trước với con rằng nếu con không nghe lời bố mẹ, sẽ có một hậu quả cụ thể. Tuy nhiên, hậu quả này cần phải là hệ quả đúng với hành vi con gây ra.

Ví dụ khi con nhảy trên ghế làm ồn, mẹ sẽ nói: “Cốm ơi, mẹ đếm đến 3, nếu con vẫn nhảy trên ghế, mẹ sẽ cho 1 cái ghế vào nhà tắm và yêu cầu con nhảy liên tục trên ghế trong 10 phút”, chứ không phải là “Nếu con không ngừng nhảy lên ghế, mẹ sẽ không cho con đi chơi” vì việc đi chơi không liên quan đến việc con ngừng nhảy lên ghế.

Khen ngợi con ngay khi con làm tốt, dù chỉ là điều nhỏ nhặt, như tự ngồi ăn cơm hay chơi yên lặng trong vài phút. Bố mẹ có thể nói: “Mẹ thích cách con ngồi ăn nghiêm túc thế này, hôm nay con đã tiến bộ và làm đúng quy định hơn hôm qua rồi đấy.”

Khi con có vấn đề về hành vi, đừng chỉ xử lý hành vi trên bề mặt. Giống như việc bạn chăm sóc cây, khi cây có vấn đề, nếu bạn chỉ ngắt ngọn, tỉa những phần cành lá héo mà không tìm hiểu xem đất và rễ của cây đã được chăm sóc kỹ hay chưa, cây có thể héo úa lúc nào không hay.

Như ở trường hợp bé Miti, chỉ khi cha mẹ xử lý được nguyên nhân ẩn sâu của hành vi của trẻ – đó là con sợ bố mẹ không còn yêu con nữa và muốn nhận sự chú ý của bố mẹ – bằng cách:

Dành thêm thời gian chất lượng chỉ dành riêng cho bé

Bố – mẹ thay phiên nhau cho em ngủ để mẹ có thể có thời gian ngồi ăn cùng bé

Tăng thêm thời gian trong trình tự ngủ của con

Thiết lập các quy tắc rõ ràng trên bàn ăn và những lời khen ngợi khi con trở lại nếp ăn ngoan như cũ

Thì không cần dùng đến kỷ luật bàn ăn, không cần quát mắng, con lại trở lại là em bé thiên thần như xưa.

NHẤT QUÁN LÀ CHÌA KHÓA

Nhất quán chính là bí quyết thành công khi đối phó với khủng hoảng tuổi lên 3! Giống như tập gym, bạn không thể tập một ngày rồi nghỉ hai tuần mà mong có kết quả. Não bộ của trẻ cần những thông điệp lặp đi lặp lại để hình thành các kết nối thần kinh mới, vì vậy mỗi lần bạn kiên định với quy tắc là một viên gạch xây nên sự an toàn cho con. Sẽ có những ngày khó khăn đến mức tưởng chừng không thể – nhưng hãy nhớ rằng, hành trình này tuy gian nan nhưng xứng đáng với nụ cười hạnh phúc của con bạn sau này.

Hương Đỗ - Mẹ Ong Bông

Tôi là Hương Đỗ - Tác giả, Dịch giả, Giảng viên với 9 năm nghiên cứu về nuôi dạy con. Đồng tác giả sách "Nuôi Con không phải là cuộc chiến", đạt giải Sách Hay 2017. Tôi chia sẻ kinh nghiệm về nếp sinh hoạt, ăn dặm, và kỷ luật tích cực, giúp cha mẹ Việt nuôi dạy con cái hiệu quả và nhẹ nhàng. Hãy theo dõi tôi tại: Facebook


Bài viết liên quan

Sử dụng “hậu quả” khi trẻ 1-3 tuổi không chịu đi ngủ (đi ngủ quá muộn)

Khi còn nhỏ con bạn từng ngủ ngon như cún con, nhưng kể từ khi ... Read More

Khủng hoảng tuổi 2-3 của những em bé có em sớm: hiểu nhu cầu đằng sau những hành vi của trẻ

“Mẹ chỉ yêu em, không yêu con!” – cậu bé 3 tuổi hét lên, mặt ... Read More

Vì sao trẻ 1-3 tuổi đi ngủ muộn hoặc không chịu đi ngủ? Hãy hỏi FOMO

Càng lớn, thế giới xung quanh trẻ chập chững càng trở nên hấp dẫn và ... Read More

Duy trì lịch sinh hoạt E.A.S.Y của con khi về quê ăn Tết

Tết là dịp đoàn viên gia đình, nhiều gia đình sẽ về quê sum họp. ... Read More

20+ đồ dùng ăn dặm tham khảo

Xem thêm