Sử dụng “hậu quả” khi trẻ 1-3 tuổi không chịu đi ngủ (đi ngủ quá muộn)

Khi còn nhỏ con bạn từng ngủ ngon như cún con, nhưng kể từ khi hát chúc mừng sinh nhật tuổi lên 1, con đã biến thành một “chú cú đêm” – chuyên gia đi ngủ lúc 11h? Hay đêm con tỉnh dậy liên tục gọi mẹ ời ời?

THỬ THÁCH GIỚI HẠN – Khi con tìm đủ mọi cách để không phải đi ngủ và nhiều hành vi giấc ngủ khác

Trẻ 1-3 tuổi phải đối mặt với nhiều thử thách về mặt cảm xúc, và trẻ liên tục thử thách các giới hạn, đặc biệt là vào giờ đi ngủ. Khi khám phá ra sự độc lập của mình, cùng với nhiều vấn đề phát triển khác, trong đó có FOMO, trẻ thường tìm cách vượt quá các giới hạn để kiểm tra xem:

A. Quyền lực của cha mẹ bắt đầu từ đâu

B. Quyền lực của con kết thúc ở đâu.

“Con muốn uống nước”… “Con cần đi tè”… “Con muốn đọc thêm truyện”… “Con sợ ma…”… Trẻ có cả một bộ sưu tập lý do sáng tạo đáng nể!

Mâu thuẫn là khi trẻ thử thách các giới hạn quanh việc đi ngủ, và những giới hạn đó có thể bị phá vỡ, trẻ lại cảm thấy không an toàn về:

A. Vai trò của mình với tư cách là đứa trẻ

B. Vai trò của bạn với tư cách là cha mẹ.

Sự bất an này thực sự khiến hành vi của trẻ còn gia tăng hơn gấp bội, khi các bé lúc này lại muốn tìm hiểu xem liệu cha mẹ có thể giúp trẻ trả lời những câu hỏi này hay không.

“Ồ lần này quy tắc lại bị phá vỡ rồi.. Để xem liệu mình có thể kéo dài thêm 5 phút nữa không… rồi thêm 10 phút nữa… rồi có lẽ mẹ sẽ để mình chơi đến chán thì thôi…!”

NHẤT QUÁN LÀ GIẢI PHÁP

Nhu cầu phát triển chính của trẻ chập chững là trở nên độc lập.
Vì thế, vai trò của cha mẹ là hỗ trợ nhu cầu độc lập của trẻ – nhưng vẫn phải đảm bảo rằng nhu cầu về mặt thói quen của trẻ vẫn tiếp tục được đáp ứng.
Điều này có nghĩa là, dù việc trao cho con thêm nhiều cơ hội tự quyết rất quan trọng, nhưng duy trì sự nhất quán với các thói quen cũng quan trọng không kém.
Đặc biệt, cơ hội để trẻ phát huy tính độc lập không nên được khuyến khích trước giờ đi ngủ.

Khi trẻ tìm cách chỉ đạo và yêu cầu thêm (sách, bài hát, nước, ôm, v.v.), hãy giữ vững giới hạni. Đối với cha mẹ, có vẻ như đọc thêm một cuốn sách không phải là vấn đề lớn. Nhưng đối với một anh chàng 2 tuổi, thêm 1 tức là có thể thêm 10 vì quyền kiểm soát từ bạn với tư cách là cha mẹ đang được chuyển nhượng dần dần cho trẻ. Nên bạn càng không nhất quán, trẻ càng có cớ để không hợp tác.

“Chỉ một cuốn sách nữa thôi!”… “Chỉ xem 1 bài hát nữa thôi!”… “Chỉ một cốc nước nữa thôi!”… Và đột nhiên sắp 11h đêm mà bạn vẫn đang giục giã con bạn đi ngủ với cốc nước thứ 3 trên tay.

Để vừa nuôi dưỡng nhu cầu độc lập, vừa đảm bảo giới hạn trong giờ đi ngủ, hãy áp dụng kỹ thuật LỰA CHỌN CÓ GIỚI HẠN. Kỹ thuật này giúp trẻ được trao một số quyền kiểm soát nhưng trong giới hạn hợp lý. Giới hạn ở đây là Trẻ được lựa chọn 1 trong 2 lựa chọn tích cực như nhau. Ví dụ:

“Trong hai bộ đồ ngủ này, con muốn mặc cái nào?” (Thay vì: “Con có muốn mặc đồ ngủ không?” – Đáp án: “KHÔNG!”)

“Trong 2 cuốn sách này, con muốn đọc cuốn nào tối nay?” (Thay vì: “Con muốn đọc mấy cuốn?” – Đáp án: “CÀNG NHIỀU CÀNG ÍTI!”)

“Con muốn bật đèn ngủ cây nấm hay đèn con thỏ?” (Thay vì: “Con có muốn bật đèn không?” – Đáp án: “KHÔNG!”)

QUY TẮC LÊN GIƯỜNG

Để trẻ hợp tác vào giờ đi ngủ, trước hết, bạn phải đặt ra các quy tắc rõ ràng về những hành vi được mong đợi vào giờ đi ngủ. Bạn càng duy trì và kiên định thực hiện các quy tắc này, trẻ càng được khuyến khích cư xử phù hợp

Bạn không thể buộc con bạn nhắm mắt và ngủ luôn ngay khi vừa tắt đèn, nhưng bạn có thể quản lý hành vi trì hoãn lên giường của trẻ. Vì càng trì hoãn, trẻ càng thức lâu. Hãy đơn giản hoá các quy tắc giấc ngủ thành 3 câu thần chú:

  • Ở yên trên giường
  • Nằm yên lặng
  • Nằm yên trên giường cho đến khi đồng hồ báo thức kêu (hoặc đến khi mẹ vào gọi dậy, tuỳ bạn)

“Nhưng con sợ ma!”… “Con nhớ mẹ!”… thậm chí cứ đến giờ đi ngủ là Cốm bảo “Mẹ không yêu em, mẹ cứ bắt em đi ngủ!”… Dù mỏ bạn đang giựt giựt thì hãy nhớ: Không, không và TUYỆT ĐỐI KHÔNG GIẢI THÍCH, KHÔNG TRANH LUẬN! Vì tất cả những gì con nói, những lý do sáng tạo đó đều thuộc về “hành vi trì hoãn”! Do đó, mình chỉ sử dụng giọng nói bình tĩnh và khuôn mặt poker face “Mẹ yêu em và giờ thì mời em lên giường, để mẹ tắt đèn và ra khỏi phòng!” (Mình cũng không sử dụng từ Nhưng, vì sau từ nhưng mọi thứ phía trước đều trở nên vô nghĩa hehe)

Bạn cần thống nhất, và thường xuyên trao đổi về những quy tắc này trong trình tự ngủ của mình, để bạn không phải giải thích chúng vào giờ đi ngủ. Một khi các hoạt động trong tình tự ngủ đã kết thúc, những quy tắc này sẽ được áp dụng. Bất kỳ hành vi đòi hỏi hay lời nói phản đối nào đều được coi là trì hoãn.

Vậy nếu con trì hoãn thì sao? Chúng ta sẽ sử dụng HẬU QUẢ

“HẬU QUẢ” VÀ “TRỪNG PHẠT” – NGƯỜI DƯNG NGƯỢC LỐI

Nếu con bạn đã trì hoãn việc đi ngủ quá lâu khiến bạn dường như chẳng còn làm được gì vào buổi tối, thì sử dụng hình phạt để con chịu ngủ sớm không phải là chiến lược hiệu quả. Vì bạn biết không? Khi bạn đang bực bội áp dụng hình phạt thì con bạn quy những hành vi đó của bạn là bố mẹ đang chú ý đến mình (Thế có tức không chứ lị). Và bất kỳ sự chú ý nào mà con nhận được, dù tích cực hay tiêu cực, chỉ càng “tiếp nhiên liệu” cho hành vi đó.

“Tuyệt! Khi mình không ngủ, bố/mẹ sẽ chú ý đến mình… Hiệu quả rồi! Mình làm gì tiếp theo để nhận thêm sự chú ý của bố mẹ và khỏi phải đi ngủ đây?”

Do đó, hãy ghi nhớ:

Hình phạt là một hành vi gây ra tổn thương về tâm lý hoặc thể lý(thân thể) cho trẻ. Nó được sử dụng như một phương tiện ép buộc để khiến con bạn cư xử ngoan ngoãn hoặc làm theo điều mà bạn muốn. Ví dụ “Con mà vẫn không chịu ngủ là mẹ phạt con úp mặt vào tường đấy!” Úi xời, nghĩ mấy đứa nhóc sẽ sợ hả?

Hậu quả, ngược lại, là kết quả (dù tích cực hay tiêu cực) của một hành vi mà trẻ thực hiện. Mục đích của hậu quả là để trẻ học được mối quan hệ nhân quả giữa việc mà trẻ làm với kết quả của việc đó. Vì vậy, hậu quả tự nhiên xảy ra là tốt nhất trong xử lý kỷ luật giấc ngủ.

Ví dụ “Con ngủ muộn thế này thì sáng mai con sẽ không dậy sớm để kịp giờ đi chơi đâu, nên giờ mà con chưa ngủ thì chắc mai mình phải ở nhà rồi!” … Đó là hậu quả tự nhiên và hợp lý!

Các hậu quả được thực thi là để giúp trẻ chập chững học và ghi nhớ về các quy tắc đi ngủ. Và nếu như bạn đang gặp khó khăn với các hành vi đi ngủ của trẻ, áp dụng hậu quả là cách để bạn đang lấy lại quyền kiểm soát đối với giờ đi ngủ.

LÀM SAO ĐỂ XÁC ĐỊNH HẬU QUẢ HIỆU QUẢ?

Hậu quả hiệu quả nên là điều gì đó mà đảm bảo:

  • Tác động đến quyền lợi của con, không tác động đến nhu cầu cơ bản của con.
  • Nó thực sự đủ khiến con không thích và khó chịu đến mức muốn tuân theo các quy tắc giờ đi ngủ
  • Có sự liên quan nhất định đến giờ đi ngủ

Ví dụ: Khi trẻ không tuân thủ quy tắc, lấy đi một vật dụng mà trẻ gắn bó với món đồ này.

Khi bạn thực hiện hậu quả này, bạn sẽ không nói chuyện hoặc giải thích những gì bạn đang làm. Bạn chỉ đưa ra cảnh báo (điều bạn đã thống nhất với con từ trước trong quy tắc đi ngủ), sau đó ngay lập tức thực hiện hậu quả. Giọng nói, nét mặt bình thản, đều đều, càng ít cảm xúc thì trẻ càng hiểu là mình không nhận được sự chú ý cho hành vi của mình.

Không phải: “Mẹ rất buồn vì con không nghe lời, vì vậy mẹ sẽ phải lấy búp bê của con, mẹ cũng không muốn thế đâu, nhưng vì con không chịu ngủ nên mẹ mới lấy em búp bê đi thôi…”

Mà là: “Mẹ đếm từ 1 đến 3, con lên giường hoặc mẹ sẽ lấy búp bê.

[1,2,3] Con vẫn không lên giường. Mẹ lấy búp bê.” – Rồi bạn lấy búp bê và rời đi mà không nói thêm lời nào!

“Nhưng con sẽ khóc và ăn vạ khi mình làm thế!” – Đây chính là điều các phụ huynh lo sợ, và là cái cớ hoàn hảo nhết để họ không còn và không muốn kiên định duy trì kỷ luật ngủ nữa.

Những cơn ăn vạ rải rác hay liên tục trong ngày đã khiến cha mẹ kiệt sức, và đến giờ đi ngủ, họ không muốn phải đối mặt với tiếng la hét, khóc lóc thêm lần nào nữa.

Nhưng sự sợ hãi và né tránh của bạn chỉ càng khiến mọi việc leo thang và kéo dài thời gian trẻ có những hành vi ngủ chưa phù hợp.

Bạn càng nhất quán, trẻ càng hợp tác. Và dù trẻ sẽ ăn vạ vài lần đầu, nhưng nếu bạn vẫn kiên trì áp dụng kỷ luật ngủ, những hành vi phản khảng của trẻ sẽ ngày càng ít đi. Đó là bí kíp đã giúp mình trải qua rất nhiều kỳ khủng hoảng ngủ của trẻ con.

Và rồi bạn sẽ thấy, khi bạn kiên định với quy tắc giờ đi ngủ, thì trẻ sẽ hợp tác hơn khi thức. Bởi vì suy cho cùng, việc trẻ có hành vi giấc ngủ cũng chỉ là một trong các biến thể của các hành vi thử giới hạn thuộc khủng hoảng 1-3 tuổi mà thôi.

Ban đầu, trẻ có thể rất kiên trì và bạn vẫn có thể thấy trẻ phản kháng, ăn vạ liên tục khi bạn duy trì lại kỷ luật ngủ. Vì đây là cách trẻ kiểm tra xem “Lần này bố mẹ đi được bao xa, kiên định được bao lâu?” Nếu trẻ thấy đủ thuyết phục, trẻ sẽ tuân thủ. Lý thuyết này áp dụng với mọi trẻ và trong mọi tình huống, và nó hữu ích trong mọi trường hợp.

Hương Đỗ - Mẹ Ong Bông

Tôi là Hương Đỗ - Tác giả, Dịch giả, Giảng viên với 9 năm nghiên cứu về nuôi dạy con. Đồng tác giả sách "Nuôi Con không phải là cuộc chiến", đạt giải Sách Hay 2017. Tôi chia sẻ kinh nghiệm về nếp sinh hoạt, ăn dặm, và kỷ luật tích cực, giúp cha mẹ Việt nuôi dạy con cái hiệu quả và nhẹ nhàng. Hãy theo dõi tôi tại: Facebook


Bài viết liên quan

Sử dụng “hậu quả” khi trẻ 1-3 tuổi không chịu đi ngủ (đi ngủ quá muộn)

Khi còn nhỏ con bạn từng ngủ ngon như cún con, nhưng kể từ khi ... Read More

Khủng hoảng tuổi 2-3 của những em bé có em sớm: hiểu nhu cầu đằng sau những hành vi của trẻ

“Mẹ chỉ yêu em, không yêu con!” – cậu bé 3 tuổi hét lên, mặt ... Read More

Vì sao trẻ 1-3 tuổi đi ngủ muộn hoặc không chịu đi ngủ? Hãy hỏi FOMO

Càng lớn, thế giới xung quanh trẻ chập chững càng trở nên hấp dẫn và ... Read More

Duy trì lịch sinh hoạt E.A.S.Y của con khi về quê ăn Tết

Tết là dịp đoàn viên gia đình, nhiều gia đình sẽ về quê sum họp. ... Read More

20+ đồ dùng ăn dặm tham khảo

Xem thêm