Ai cũng có nỗi sợ của riêng mình. Nhân dịp có bạn trong group EM BÉ EASY – BƯỚC ĐỆM VỮNG CHẮC đặt câu hỏi về việc con bạn sợ ma và có nhiều mẹ hưởng ứng, mình chia sẻ đôi dòng về Nỗi sợ của trẻ
Bạn có biết không, nỗi sợ ma của trẻ có thuật ngữ khoa học hẳn hoi đấy. Nó được gọi là Phasmophobia. Từ phasmophobia bắt nguồn từ các từ tiếng Hy Lạp “phasma” – có nghĩa là ma, và “phobia” – nỗi sợ hãi. Theo từ điển thuật ngữ y học, đây là nỗi ám ảnh sợ hãi về ma quỷ, yêu tinh, quỷ dữ và các sinh vật tưởng tượng khác. Phasmophobia, nỗi sợ ma quỷ và sinh vật tưởng tượng, là một khái niệm đã được biết đến rộng rãi.
Bên cạnh Phasmophobia, các nhà khoa học còn đưa ra một thuật ngữ khác – Teraphobia, bắt nguồn từ các từ tiếng Hy Lạp “tera” – quái vật, và “phobia” – nỗi sợ hãi, bao gồm một phạm vi rộng hơn về những thực thể quái di, không phải con người.
Nỗi sợ những sinh vật tưởng tượng thường xuất hiện ở trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu cảm nhận bản thân như một cá nhân tách biệt với cha mẹ và tìm kiếm những lời giải thích của riêng mình cho mọi điều xảy ra xung quanh.
Trên thực tế, mọi trẻ nhỏ đều có phasmophobia và/hoặc teraphobia. Trẻ em có trí tưởng tượng phong phú và hiểu biết còn hạn chế về thế giới, kèm với tư duy phản biện chưa được trau dồi và mài giũa, khiến trẻ dễ suy diễn lệch hướng khi tiếp cận với các kiến thức ngoài vùng hiểu biết của mình. Khi không thể tìm ra lời giải thích cho những gì đang xảy ra, tâm trí sẽ “đóng băng”. Tuy nhiên, nó không thể duy trì trạng thái này trong thời gian dài, do đó nó bám víu vào những cách giải thích kỳ lạ nhất về những gì đang diễn ra. Đó chính là nơi niềm tin vào ma quỷ, người ngoài hành tinh, linh hồn người chết và hàng trăm nỗi sợ hãi khác bắt nguồn.
Khi hiểu biết về thế giới xung quanh của trẻ tăng lên, hầu hết các nỗi sợ dần dần biến mất (khoảng 7 tuổi). Tuy nhiên, nếu một số nỗi sợ được củng cố và khẳng định bởi những người mà trẻ tin tưởng, thì không những chúng có thể tiếp tục tồn tại mà còn trở nên mạnh mẽ hơn và phát triển thành những nỗi sợ hãi nghiêm trọng ở tuổi trưởng thành.
Vì sao trẻ sợ hãi?
Yếu tố môi trường
Những hình ảnh mà trẻ em sợ hãi có mối liên hệ chặt chẽ với môi trường xung quanh.
• Cách cha mẹ, người lớn trò chuyện về các hiện tượng ngoài tầm hiểu biết của trẻ
• Cách cha mẹ đối mặt với những nỗi sợ
• Cách cha mẹ phản ứng với những nối sợ của trẻ: không coi trọng những nỗi sợ này, hoặc phủ nhận mà không quan tâm tới cảm xúc của trẻ, hoặc lo lắng, bảo bọc con quá mức khi con thể hiện nỗi sợ, điều này gián tiếp khẳng định ma quỷ là có thật.
• Cách bạn bè, và những người ngoài xã hội (Ngoài tầm kiểm soát của bố mẹ) kể về ma và các nỗi sợ khác. VD các câu chuyện cổ tích với kẻ xấu, anh hùng tốt bụng đánh bại quái vật xấu xa,
• Cách người khác dọa dẫm trẻ
• Các câu chuyện kể cho trẻ hoặc trẻ nghe lỏm được (được kể cho người khác thay vì cho trẻ)
Trẻ cảm nhận sự đáng sợ và nỗi sợ hãi ở trong đó, và liên tưởng ma cùng nhiều thứ khác là những sinh vật nguy hiểm, đe dọa đến trẻ.
Vì sao yếu tố môi trường lại ảnh hưởng tới quá trình hình thành nỗi sợ ở trẻ
Theo tâm lý học, cơ chế hình thành nỗi sợ và ám ảnh ở trẻ em và người lớn hoàn toàn khác nhau.
Đối với người lớn:
Dù trải qua hàng triệu năm tiến hoá, nhưng não bộ của con người vẫn còn sót lại tàn tích của thời tiền sử. Một trong những khu vực cổ xưa nhất trong não bộ của chúng ta là vùng “não bò sát”. Não bò sát bao gồm cuống não và thân não – phần não có trong não của các loài bò sát. Vùng não bò sát được coi là vùng não khá bản năng và phản ứng tức thời giúp chúng ta đảm bảo sự sinh tồn, vì chúng chịu trách nhiệm cho những nhu cầu cơ bản như đói, ngủ và khát. Để bắt đầu thực hiện một hành động, chúng ta cần năng lượng tâm lý, và năng lượng này được lấy từ một cấu trúc cụ thể nằm dọc theo toàn bộ trục của thân não: cấu trúc lưới (the reticular formation). Chính cấu trúc này gửi tín hiệu đến vùng “não bò sát”.
Nhu cầu sinh tồn của chúng ta “cư trú” trong “não bò sát”, được lập trình theo quá trình tiến hóa của con người để tìm kiếm nguy hiểm. Vì vậy, khi não không nhìn thấy những vấn đề nghiêm trọng trong thực tế, nó bắt đầu suy đoán. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trong thời chiến hoặc thiên tai, chứng rối loạn thần kinh và ám ảnh sợ hãi biến mất vì con người bắt đầu đấu tranh cho sự sống còn thực sự của họ.
Não bộ người lớn tạo ra năng lượng để đáp ứng những nhu cầu cơ bản. Trong xã hội hiện đại, đa số những nhu cầu cơ bản này được thỏa mãn. Khi không xuất hiện những mối đe doạ tới các nhu cầu cơ bản, thì vùng não bò sát vẫn còn thừa năng lượng khiến nó tìm kiếm những mối nguy hiểm tưởng tượng.
Ngược lại, trẻ em tìm kiếm sự thỏa mãn nhu cầu cơ bản chủ yếu từ cha mẹ và từ những người lớn khác mà các con tin tưởng, như người thân, ông bà và giáo viên. Vì vậy, trẻ tiếp thu nỗi sợ từ những người xung quanh. Cách người xung quanh đối diện với nỗi sợ và ứng xử với nỗi sợ của trẻ hay của người khác có thể làm phóng đại hoặc bình thường hoá cảm xúc đó của trẻ.
Khả năng làm chủ cảm xúc
Tại sao có những đứa trẻ chỉ cần thoáng nghe thấy từ ma là bắt đầu thấy lo sợ, trong khi những đứa trẻ khác có thể bình thản xem phim ma và ăn bắp rang? Lời giải thích đơn giản nhất là mức độ nhạy cảm về cảm xúc và trải nghiệm của từng đứa trẻ. Sự trưởng thành và ổn định về mặt cảm xúc của một đứa trẻ phụ thuộc vào sự bình tĩnh và điềm tĩnh của người lớn xung quanh chúng khi tình huống bộc lộ nỗi sợ xảy ra. (Đối với cả tình huống trẻ sợ hãi, và cả tình huống cha mẹ sợ hãi)
Giúp con đối diện nỗi sợ
Giúp con đối diện nỗi sợ đòi hỏi những hành động toàn diện và kiên nhẫn đến từ cha mẹ. Trẻ sơ càng lâu thì chúng ta càng phải kiên nhẫn và nhất quán. Dưới đây là tổng hợp các hành động chúng ta cần thực hiện hoặc điều chỉnh để giúp con đối diện nỗi sợ.
Bạn hãy dựa vào tình hình cụ thể tại gia đình để lựa chọn những điều chỉnh và hỗ trợ hợp lý.
1.Khi trò chuyện với nhau về các hiện tượng ngoài tầm hiểu biết của trẻ: Quan tâm tới cảm xúc của trẻ ngay lúc đó, đặt ra những câu hỏi cho trẻ để xem con hiểu biết đến đâu, giải thích một cách rõ ràng và dễ hiểu theo độ tuổi của con. Hoặc trả lời theo hướng khoa học,rõ ràng những câu hỏi của con. Đừng nghĩ trẻ con không biết gì, không hiểu gì và lờ đi sự hoang mang của trẻ. Trẻ càng không biết, không hiểu rõ những thông tin mình được tiếp nhận, sẽ càng dễ tưởng tượng và phóng đại, từ đó, càng sợ.
Hãy luôn thành thật trả lời các câu hỏi và giải thích theo khả năng hiểu của con, đừng gạt đi kiểu giờ con còn bé chưa hiểu được đâu, hoặc con chưa cần quan tâm đến chuyện này khi trẻ có nhu cầu tỏ mò hoặc đưa ra thắc mắc. Kể cả khi trong gia đình có người ra đi, hãy trò chuyện thật thẳng thắn về điều này, đừng kiêng kỵ hay tránh nói về cái ch…. Vì càng thẳng thắn và càng đưa ra nhiều thông tin khoa học, đầy đủ thì trẻ càng hiểu rõ vấn đề và càng cảm thấy không có gì phải sợ.
Đồng thời, giải thích các nỗi sợ của trẻ theo hơi hướng khoa học (nếu bạn không biết, sử dụng Google hoặc AI)
Ví dụ: Nếu trẻ tưởng tượng rằng tiếng kêu cọt kẹt trong nhà vào ban đêm là tiếng bước chân của con ma. Hãy giải thích cho trẻ rằng khi vật thể nóng lên hoặc lạnh đi, chúng sẽ giãn nở và co lại, điều này bao gồm cả ngôi nhà, đó là lý do tại sao các tấm ván gỗ kêu cọt kẹt khi ngôi nhà co lại vào ban đêm, do nhiệt độ ban đêm xuống thấp.
2. Nếu bạn bè, và những người ngoài xã hội (Ngoài tầm kiểm soát của bố mẹ) kể về ma và các nỗi sợ khác: Nhiều bạn bảo con mình X tuổi bỗng dưng sợ ma dù chả ai nói đến, không hiểu ở đâu ra thì xin thưa là ở xã hội chứ ở đâu ra. Các cháu đi học được nghe bạn kể, gặp hàng xóm bị các anh chị kể, thậm chí đi vô thang máy có khi cũng có thể nghe lỏm được dăm ba câu chuyện là về cũng có thể nghĩ ra một sự kiện rùng rợn bởi trí tưởng tượng thần sầu của mình rồi.
Nên khi thấy con bày tỏ một nỗi sợ gì đó, vui lòng tìm hiểu lý do từ đâu con có nỗi sợ này và giải thích cho con.
Nếu con nghe bạn bè kể , hãy cùng con tìm ra lời giải thích hợp lý cho những câu chuyện đó, và hướng dẫn con đặt ra các câu hỏi để chứng minh rằng những sự việc mà bạn con kể là không có thật và đang được phóng đại lên.
3. Hạn chế tối đa việc doạ dẫm trẻ với các hình tượng không có thật: Nếu người khác doạ dẫm trẻ mà bạn không điểm kiểm soát được, hãy giải thích rõ ràng để trẻ hiểu ngay lúc đó hoặc ngay khi trẻ kể cho bạn, tránh việc trẻ tưởng tượng và phóng đại lên.
4. Giải quyết nguyên nhân ẩn: Đôi khi, nguyên nhân gốc khiến trẻ sợ hãi một thứ gì đó lại không xuất phát từ nỗi sợ mà lại xuất phát từ những vấn đề khác, điển hình là:
a. Nhu cầu nhận được sự chú ý: Trẻ muốn nhận được sự chú ý của cha mẹ nên “bịa” ra rằng mình đang sợ gì đó để cha mẹ quan tâm hơn, hoặc vào ngủ với trẻ, ở cạnh trẻ ban đêm. Cách cha mẹ phản ứng sẽ cho trẻ thấy cách này của mình có hiệu quả hay không. Nếu có hiệu quả trẻ sẽ tiếp tục sử dụng, lâu dần trẻ coi nỗi sợ đó là thật, và cộng với trí tượng tượng phong phú của mình, trẻ liền tưởng tượng ra thêm nhiều tình huống kho chịu khẳng định cho nỗi sợ đó. Cách để biết liệu có phải trẻ đang giả vờ sợ hãi không là quan sát nét mặt, giọng nói và cử chỉ của trẻ. Trẻ sợ hãi thật sự sẽ có những phản ứng căng thẳng điển hình ví dụ cơ thể gồng lên, căng cứng, giọng bỗng nhiên cao vút, hơi thở dồn dập, thậm chí nhịp tim có thể tăng lên. Ngược lại nếu giả vờ cơ thể trẻ vẫn thả lỏng và giọng nói nhanh nhưng âm điêu bình thường….Nếu bạn nhìn vào ngôn ngữ cơ thể con mà thấy có sự nghi ngờ, hãy đưa ra những câu hỏi cụ thể hơn như hỏi về cảm xúc của con, hỏi về tình huống xảy ra, nếu trẻ trả lời trôi chảy thay vì khóc lóc và nói năng lộn xộn thì rất có khả năng con không thực sự sợ hãi, Lúc đó, hãy xem xét lại xem vì sao con lại muốn gây sự chú ý bằng cách này và giải quyết dứt điểm nguyên nhân ẩn để nỗi sợ giả vờ không biến thành nỗi sợ thực sự
b. Bắt chước: Trẻ thấy thích thú khi một ai đó sợ một thứ gì đó và cũng muốn bắt chước các hành động sợ hãi đó để xem cách mọi người phản ứng ra sao. Với trường hợp này trẻ cũng sẽ không sợ thật nên hãy xem ngôn ngữ cơ thể của trẻ và đưa ra câu hỏi để trao đổi và giải thích cho trẻ. Đồng thời cho trẻ hiểu rằng ai cũng có thể sợ hãi một thứ gì đó và chúng ta nên tôn trọng điều đó cũng như hỗ trợ họ đối mặt với chúng thay vì bắt chước.
c. Trải nghiệm khó chịu biến thành nỗi sợ: Những trải nghiệm khiến trẻ không vui vẻ, lo lắng, sợ hãi có thể trở thành những nỗi sợ khác hẳn với trải nghiệm ban đầu thông qua trí tưởng tượng và suy diễn của não bộ tuổi thơ. Ví dụ có trẻ khó chịu với tiếng răng va lộp cộp vào nhau có thể phát triển nỗi sợ có con ma cà rồng ở trong phòng con. Hay trẻ bị ép ăn có thể sợ thỏ vì thường bị cha mẹ ép ăn với chiếc thìa hình con thỏ. Hay trẻ bị bắt nạt ở trường đâm ra sợ quái vật vì tưởng tượng kẻ bắt nạt thành những con quái vật to lớn.
Do đó, bạn cần đặt ra những câu hỏi và liên kết với tình huống xung quanh, quan sát cảm xúc của con, và biểu hiện của con lúc bình thường để tìm hiểu nguyên nhân ẩn, từ đó xử lý chúng. Rất nhiều trẻ chỉ cần. thoả mãn được nhu cầu ẩn là tự nhiên không còn thấy sợ gì nữa.
5. Làm gương cách cha mẹ đối mặt với những nỗi sợ: Đối diện thẳng thắn với những nỗi sợ và nói rõ cho con lý do vì sao mình sợ những thứ đó: Truyền tải thông điệp Ai cũng có thể sợ hãi một điều gì đó, và họ có lý do chính đáng để sợ những thứ đó. Quan trọng là họ luôn tìm cách để làm chủ cảm xúc khi gặp những thứ đó để không gây tổn hại tới mình và làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh.
Đồng thời, hãy để con trở thành người giúp mình tìm ra giải pháp, đề xuất cho chính bạn vượt qua những nỗi sợ đó, như vậy bản thân con có nhu cầu tìm ra lời giải hợp lý cho những nỗi sợ của cha mẹ, và cảm thấy mình trưởng thành về mặt cảm xúc khi có thể nghĩ ra cách bảo vệ người mà con yêu thương.
Mình là người siêu sợ chuột, nhưng hai đứa con của mình không bạn nào sợ chuột. Vì mình không bao giờ che giấu nỗi sợ đó, cũng giải thích với các bạn vì sao mẹ sợ chuột và mẹ làm gì khi nhìn thấy con chuột chạy trên đường. Mình cũng chia sẻ luôn cách mình phản ứng khi chỉ có 1 mình và khi có người mình tin tưởng ở bên cạnh. “Nếu đi một mình, mẹ sẽ lùi lại, hít thở sâu và tự nhủ liên tục: Nó ở rất xa mình, nó sẽ không làm gì mình. Mình đi qua được” nhưng nếu khi có bố, mẹ có thể hét lên và ôm chầm lấy bố, bố sẽ dỗ mẹ và mẹ cảm thấy rất an tâm. Con có biết vì sao mẹ phản ứng khác nhau thế không?”
Sau đó mình sẽ chờ con trả lời rồi đưa ra câu trả lời của mình “Vì khi mẹ ở một mình, thì mẹ biết mình cần kiểm soát nỗi sợ để làm tiếp các việc khác, nên mẹ cần bình tĩnh. Còn khi có bố ở đấy thì mẹ biết bố sẽ bảo vệ mẹ nên mẹ có thể thả lỏng cảm xúc của mình.” Mục đích mình chia sẻ 2 tình huống này để con biết 2 điều:
- Khi con ở một mình, con có thể vẫn sợ, nhưng con hoàn toàn tự đối diện được với nỗi sợ nếu con biết cách.
- Khi con ở với người con tin tưởng, con hoàn toàn có thể chia sẻ nỗi sợ đó và con sẽ cảm thấy an tâm.
Nên con cứ sợ đi, có ở một mình hay là ở cùng người khác thì con vẫn có thể linh hoạt xử lý tình huống và đối diện với nỗi sợ theo cách của con. Và giờ con thử nghĩ xem nếu con ở một mình mà con gặp gián thì con sẽ làm gì? (Cốm sợ gián ạ hehe)
Đồng thời sau đó, mình rèn luyện tư duy phản biện cho các bạn bằng cách hỏi tiếp: “Thế theo con, mẹ có nên sợ chuột không?”
Cốm sẽ hỏi “Không, chuột có gì đáng sợ đâu mẹ.”
Mình sẽ hỏi tiếp “Vì sao con thấy chuột không đáng sợ” và để bạn liệt kê ra
Rồi tiếp mình sẽ hỏi “Thế giả sử khi con với mẹ đi ra ngoài mà mẹ nhìn thấy chuột, thì con sẽ làm gì để giúp mẹ? Mẹ có nên hét ầm lên và trốn sau lưng con như khi đi với bố không?” Và thế là bạn tự nghĩ ra những biện pháp để giúp mình, tư duy phản biện lại rèn luyện tiếp bằng cách hỏi “Thế nếu mẹ vẫn sợ thì làm sao?” Và con lại sẽ suy nghĩ để tìm ra phương án tiếp
Lão hói nhà mình còn dễ sợ hơn, lão í mua con chuột giả về doạ mình, tặng mình bánh sinh nhật hình con chuột, sau đó thì nhờ những cuộc nói chuyện bên trên mà con mình tuy vừa cười nhưng vẫn nói với bố “Từ nay bố đừng lấy chuột ra dọa mẹ nữa, mẹ không thích đâu.” Đi ra đường thấy con chuột là bạn cũng không nói với mẹ, về nhà nói với bố xong rồi khoe rất hùng dũng “Con thấy con chuột chạy qua mà con biết mẹ sợ nên con không nói gì với mẹ.” Làm anh hùng nhỏ dũng cảm ai mà không thích, phải không nào?
6. Phản ứng đúng đắn, phù hợp với những nỗi sợ của trẻ: Có hai bước phản ứng thường gặp nhất của cha mẹ khi thấy các bé sợ bất cứ thứ gì
Thứ nhất là phản bác nỗi sợ đó của trẻ “Ma làm gì có thật, con không phải sợ.” hay “Con gián bé tí nó phải sợ con chứ con cần gì phải sợ” Nhưng dường như phản tác dụng, trẻ vẫn rất rất sợ và có vẻ càng ngày càng sợ hơn.
Điều này bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa hơn: Nỗi sợ là cảm xúc và đã là cảm xúc thì cần được thừa nhận và được thấu hiểu.
Khi bạn đưa ra những lời phủ nhận nỗi sợ với con, tức là bạn đang phủ nhận cảm xúc của trẻ. Bạn đang gián tiếp nói với con: “Con sợ thì kệ con, bố mẹ không quan tâm đến cảm xúc sợ hãi đấy của con, cảm xúc sợ hãi của con không quan trọng” và đứa trẻ có cảm giác không được thấu hiểu và được công nhận cảm xúc. Cảm thấy cảm xúc của mình bị bỏ rơi và có thêm một nỗi sợ nữa: Sợ mình không được thấu hiểu. Hai nỗi sợ này cộng lại càng làm con sợ thêm.
Chưa kể nhiều cha mẹ còn trêu chọc bé “Có thế thôi mà con cũng sợ à”, với suy nghĩ rằng bình thường hoá nỗi sợ của con thì con sẽ hết sợ. Nhưng không, khi chúng ta nói thế thì đứa trẻ cảm thấy xấu hổ vì việc mình sợ hãi, cảm thấy mình yếu đuối nhát gan và có thể quy kết đối tượng của nỗi sợ thành điều xấu, thành thủ phạm đem lại cảm giác khó chịu cho trẻ. Kết hợp với trí tưởng tượng của trẻ càng liên tưởng con ma, con gián, con kiến trở thành những thế lực đáng sợ khiến trẻ buồn bã, sợ hãi, gặp nguy hiểm (hãy nhớ về bộ não bò sát ở bên trên)
Thứ hai là sau khi phản bác nỗi sợ của con, nhiều cha mẹ “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” liền dùng hành động để bảo vệ con.
Con nói con sợ ma không ngủ được, tuy miệng bảo “Làm gì có ma” nhưng để mẹ ôm con, để mẹ nằm cạnh con cho con đỡ sợ nhé…Ủa?
Con nói con sợ gián hả, để mẹ lấy cái dép tiễn nó đi cho con đỡ sợ nhé…Ủa?
Vậy là lời nói và hành động mâu thuẫn với nhau, khiến bản thân đứa trẻ cũng bị hoảng loạn, mà não bộ lúc rối rắm thì mọi sự đều bị phóng đại, chưa kể hành vi và phản ứng sẽ thường được ghi nhớ hơn lời nói (Lời nói thì lại cũng chả có tính thuyết phục nữa) nên đứa trẻ vẫn tiếp tục sợ vì hành động của cha mẹ là lời khẳng định mấy con ma, con gián, con chuột… đáng sợ thật nên mới cần bảo vệ mình chứ.
Mà bố mẹ nói 1 đằng làm một nẻo vậy cái gì mới đúng, thôi tiếp tục sợ đi để xem rốt cuộc đâu mới là câu trả lời đúng nào.
Thế là a le hấp, qua trí tưởng tượng phong phú và sự suy diễn của não bộ thì nỗi sợ càng ngày càng leo thang
Phân tích kỹ như thế để các bạn hiểu cách bạn phản ứng ảnh hưởng tới trải nghiệm sợ hãi của đứa trẻ như thế nào, và khi sợ trẻ sẽ càng ngày càng đòi hỏi cha mẹ nhiều như thế nào nên khi thấy con bày tỏ nỗi sợ
——-> Sau đây là 6 bước phản hồi với nỗi sợ của trẻ (Mình sẽ lấy sợ ma làm ví dụ nhưng trên thực tế có thể áp dụng với mọi nỗi sợ khác của trẻ)
B1: Chơi một số trò chơi trước giờ đi ngủ
- Bạn ngồi với con, tắt đèn và đợi 5 phút trong bóng tối để cho trẻ thấy rằng mắt trẻ có khả năng thích nghi với bóng tối. Sau đó, nhìn tất cả những thứ chúng có thể thấy, bật đèn lên lại và xem liệu trẻ có đoán đúng không. Nó trở thành một trò chơi khi trẻ dần quen với bóng tối.
- Nhìn vào trong tủ quần áo và dưới gầm giường để ghi nhớ chính xác những gì có ở đó. Sau đó, lên giường và nhắc lại cho cha mẹ chính xác những gì có trong tủ hoặc dưới gầm giường. Làm điều này nhiều lần cho đến khi trẻ nhớ 100% chính xác. Khi chơi trò chơi này nhiều lần, trẻ nhớ và biết chính xác những gì xảy ra thì trẻ sẽ không còn tưởng tượng những thứ mà trẻ không biết chắc nữa
B2: Trò chuyện ước giờ đi ngủ “Mẹ thấy rằng con đang nghĩ là ở trong phòng có ma.. vậy mình cùng tìm hiểu xem liệu trên đời này có ma hay không nhé. Theo con thì sao? Sao con lại nghĩ rằng trên đời này có ma?” Hãy dành thời gian giải thích cho trẻ hiểu.
Trong quá trình thảo luận, hãy để trẻ có thể có tư duy phản biện bằng cách hỏi ngược lại ví dụ
“Nếu tắt đèn mà phòng này có ma, thì con nghĩ con ma sẽ làm gì mẹ con mình?”
“Liệu nếu mẹ ở cạnh con thì con ma có biến đi không nhỉ?”
“Ôi trời, chỉ cần mẹ ở đây là con ma biến mất thì liệu con ma đó có đáng sợ không nhỉ? Và vì sao mẹ ở đây con mà đó lại biến mất được, hay con có chắc đó là con ma không?”
“Nếu con nghĩ có ma ở trong phòng thì làm sao con chứng minh được là nó đang ở đây?”
“Con có nghĩ ra được cách nào để nó xuất hiện không?” “Nếu mình thử cách đó mà chả có gì xảy ra thì điều đó chứng tỏ điều gì?”
Việc suy nghĩ và trả lời những câu hỏi này sẽ giúp trẻ tự trả lời những câu hỏi này khi ngủ một mình trong phòng, và sau đó não bộ của con sẽ tìm ra cách để thuyết phục con rằng nó đang nghĩ và tưởng tượng quá nhiều.
Khi trẻ thức, hãy dành thời gian thảo luận về việc sao lại có khái niệm về ma và quái vật trên đời, ai đã tạo ra chúng, đồng thời đưa ra một số bằng chứng khoa học, sau khi bạn đã tự tìm hiểu về chủ đề trước, rồi trình bày cho trẻ theo cách dễ hiểu. Vẫn tiếp tục đưa ra các câu hỏi cho trẻ suy nghĩ và trau dồi tư duy phản biện của mình.
Lưu ý trẻ sợ ma khi trẻ trên 3 tuổi, tầm này trẻ đã nói tốt rồi nên đừng ngần ngại hỏi con, nếu câu nào trẻ chưa tự trả lời được, hướng suy nghĩ của trẻ theo chiều tích cực bằng các câu hỏi có không và câu hỏi lựa chọn.
B3: Bộc lộ sự bảo vệ một cách đúng đắn và khéo léo: Trước giờ đi ngủ
Sử dụng ngôn ngữ khẳng định:
Con có biết nơi nào an toàn nhất trên thế giới không? Nhà của mình – Phòng của con
Con có biết mình sẽ làm những gì để đảm bảo phòng của con luôn an toàn không? Để đèn sáng – kiểm tra các ngõ ngách
Nếu con chắc chắn là có con ma trong phòng thì mẹ sẽ cần làm lớp bảo vệ cho phòng của con và cả phòng của bố mẹ nữa, vì nhỡ đâu, nó có thể sang phòng con. thì cũng có thể ở phòng bố mẹ: Sử dụng các con vật quen thuộc của trẻ thành chiến binh bảo vệ – bình xịt lấp lánh làm sương mù bảo vệ….
Giải thích cho con ý nghĩa, vai trò của từng nhân vật bảo vệ và nhờ con suy nghĩ xem cách bố trí sắp xếp các lớp bảo vệ này và nghĩ xem là nếu con ma/quái vật hiện ra thì chúng sẽ bảo vệ con và bảo vệ bố mẹ như thế nào? Chúng sẽ đánh bại con ma ra sao? Và khi đánh bại được con ma mà nó chạy trốn sang phòng bố mẹ thì con sẽ bảo vệ bố mẹ như thế nào?
Nếu trẻ nghi ngờ về những thứ này thì hãy nói rằng “Ừ nhỉ, những thứ này chỉ là nước và gấu bông thôi mà làm sao biến thành phép thuật được, cũng như ma cũng chỉ là do người ta nghĩ ra để kể chuyện thôi mà, nên làm sao có thật được con nhỉ. Vậy là yên tâm rồi vì phòng của bố mẹ và của con đều an toàn.
Thường bố mẹ có làm cách này, nhưng bảo là không ăn thua vì bạn không giải thích kỹ cho con và không để con tự động não, tự suy nghĩ về cách chúng vận hành nên cả trẻ và cả bạn sẽ cảm thấy cách này không tác dụng.
B4: Phản ứng phù hợp khi con bộc lộ nỗi sợ giữa đêm: ĐẦU TIÊN VÀ QUAN TRỌNG NHẤT: Thừa nhận cảm xúc của con. Lưu ý thừa nhận cảm xúc của con chứ không phải thừa nhận con ma, con quái vật là có thật hay con gián đáng sợ.
“Mẹ biết/mẹ thấy con đang cảm thấy sợ hãi…Khi sợ con thấy trong người như thế nào? Con nghĩ gì khi con sợ? Con tưởng tượng ra cái gì khi con sợ?” —-> Cho con thấy mẹ hoàn toàn muốn biết thêm, muốn lắng nghe, muốn thấu hiểu cảm xúc của con chứ mẹ không lờ đi. Thường sau khi chia sẻ với mẹ, bạn sẽ bình tĩnh hơn, lúc này, lúc này chuyển B5.
B5: Đưa ra thông báo nhất quán về mục đích hỗ trợ con nếu con bộc lộ nỗi sợ trong đêm: Đưa ra thông báo rõ ràng rằng mẹ ở với con để xoa dịu cảm xúc của con, để con điều chỉnh cảm xúc của mình chứ không phải là để xua đuổi con ma, hay quái vật.
Nếu con khăng khăng trong phòng có ma hãy sử dụng giọng nói hài hước hoặc con rối để đại diện cho sự lo lắng. Thường khi có yếu tố hài hước xuất hiện là trẻ sẽ dễ dàng bình tĩnh hơn vì các cảnh báo trong cơ thể được xoa dịu
Nếu bé ngủ chung phòng với bạn, đặt bé nằm xuống và nằm ngủ cùng bé như trước khi bé khóc vì sợ. Không làm các hành động cho bé thấy là bé đang cần bảo vệ khỏi con ma (Ví dụ như trước đó nằm cạnh bình thường thì vì bé sợ ma nên ôm ghì lấy bé) vì nó sẽ khiến bé nghĩ rằng hoá ra con ma có thật và mình nên sợ nó, vì thế mẹ mới bảo vệ mình như vậy.
Nếu bé ngủ riêng phòng và đòi bạn ngủ cùng cho đỡ sợ:
Nói rằng “Mẹ thấy con đã bình tĩnh rồi, mẹ sẽ làm biện pháp an toàn tăng cường, rồi về phòng của mẹ để thực hiện các biện pháp an toàn tăng cường ở phòng bố mẹ rồi YÊN TÂM đi ngủ. Nên con nằm xuống để mẹ còn về phòng nhé.” Sau đó đặt bé, chúc con ngủ ngon, thực hiện biện pháp bảo vệ (Xịt nước thần) và đi ra. BẮT BUỘC PHẢI ĐI RA TRƯỚC KHI ĐI VÀO LẠI.
Khi con khóc gọi bạn hoặc đi theo (nếu bé đi theo nhớ về phòng xịt nước thần) rồi mới yên lặng đưa bé vào giường, đặt bé nằm xuống rồi ngồi cạnh giường bé (KHÔNG NẰM NGỦ CÙNG BÉ vì sẽ củng cố nỗi sợ), đặt tay lên người bé. Sau đó cứ cách 5 phút (hoặc đếm đến 200) dịch chuyển ra xa dần cho đến khi bạn ra khỏi phòng. Hôm sau làm tương tự nhưng khoảng cách xa hơn.
Bạn có thể đặt một chiếc đệm nhỏ trong phòng nếu quá buồn ngủ, nhưng lưu ý những ngày sau thì khoảng cách chiếc đệm phải càng xa giường của bé, cho đến khi bạn dịch chuyển đệm ra khỏi phòng bé.
B6: Biến các chủ thể trong nỗi sợ của con thành một chủ đề thú vị: Khi con thức, hãy biến việc tìm hiểu về ma, quái vật, gián. chuột, kiến thành một hoạt động chất lượng của cha mẹ và con cái.
Hãy nhớ rằng: vấn đề nỗi sợ ở đây không phải là những thứ thực sự trong môi trường của trẻ như tủ quần áo, giường, bóng tối, ở một mình, ma, chuột, kiến, gián, v.v. Vấn đề là trí tưởng tượng của trẻ, và giải pháp là dạy trẻ cách sử dụng trí tưởng tượng mạnh mẽ của mình theo những cách mang tính xây dựng.
Ví dụ như:
- Đề nghị con miêu tả chủ thể nỗi sợ của con bằng nhiều cách như vẽ, sáng tác bài hát, xếp hình và thêm một chút thử thách là làm sao miêu tả chúng theo cách buồn cười nhất có thể. Ví dụ như nếu như con ma biến thành một con vịt, nó sẽ trông như thế nào. Nếu con gián biến thành người, râu của nó sẽ đặt ở đâu
- Xem đoạn phim Harry Potter khi thầy giáo mời học sinh gọi cơn ác mộng tồi tệ nhất của họ ra khỏi tủ, và cách duy nhất để đối phó với nó là thông qua tiếng cười. Hỏi con rằng nếu con là anh Harry thì thứ gì sẽ chui ra khỏi tủ và con sẽ dùng thứ gì để nó biến thành thứ buồn cười nhất. Tham gia cùng con trong trò chơi tưởng tượng này (Tìm đoạn Boggart scene nhé)
- Đọc sách về các chủ thể nỗi sợ của con, hãy chọn những cuốn sách buồn cười, đáng yêu và chỉ ra những điểm vô lý trong cuốn sách này. Cốm từng có mấy lần bảo con sợ ma thế là được đọc các cuốn về ma gồm (Click vào tên sách đến link mua sách):
Chuyến dã ngoại của các bạn ma
Toàn những thứ rất buồn cười, mỗi lần đọc xong là cười hihihaha và sau đó mẹ hỏi bạn “Trên đời này có súp dưa chuột xoắn cổ không con nhỉ? Tìm đâu ra tảo bẹ điện ở VN b h nhỉ?” Tự con sẽ trả lời là làm gì có chúng ở trên đời, chỉ là tác giả tưởng tượng ra thôi mà
Mẹ lại hỏi tiếp “Vậy thì ma có thật trên đời không nhỉ?” Và tất nhiên bạn tự biết câu trả lời rồi
- Cho trẻ tìm hiểu về cách người ta tạo ra những con ma, con quái vật trên các bộ phim (Lưu ý chọn các hình ảnh dễ thương) để con hiểu rằng chúng chỉ là sản phẩm của máy tính và con người
- Chơi trò chơi đóng vai: Giải cứu thế giới trong đó mẹ đóng vai thành người sợ đủ thứ và con trở thành người giải cứu cho mẹ. Hãy hỏi con các câu hỏi để liên tưởng đến đời thực. Bày tỏ sự tin tưởng rằng con có thể trở thành người kiểm soát được nỗi sợ của con và thậm chí là của cả mẹ nữa, chỉ cần con có lòng tin và biết rằng bố mẹ luôn ở bên con.
6. Luyện tập kỹ năng làm chủ cảm xúc và tự xoa dịu. Học các kỹ thuật thở và thư giãn cơ bắp để tự trấn tĩnh. Chiến lược đơn giản nhất là thở chậm trong khi đếm đến bốn và thở ra trong khi đếm đến bảy. Điều này tập trung sự chú ý của trẻ và đưa trẻ trở lại kiểm soát. Dạy trẻ một từ, cụm từ hoặc lời khẳng định đặc biệt, chẳng hạn như ‘Con có thể xử lý được chuyện này’, cũng giúp giảm lo âu”. Thực hành những hành vi trấn tĩnh này mỗi ngày để chúng biến thành phản xạ của trẻ khi cảm xúc lo sợ xuất hiện.
7.Sử dụng Kỹ thuật giảm nhạy cảm có hệ thống để tiếp cận nỗi sợ của trẻ một cách dần dần.
Cùng con tạo một kim tự tháp phân cấp nỗi sợ theo thang điểm từ 1 đến 10. Đầu tiên, để con đưa ra nỗi sợ cấp độ 10: hành động gì của con ma khiến trẻ sợ hãi nhất. Rồi đến nỗi sợ cấp độ 1: hành động gì của con ma khiến con ít sợ hãi nhất. Rồi liệt kê tiếp mức độ 2-9. Nhắc con bạn hít thở sâu khi lo lắng tăng lên. Sau đó, hỏi con cách để hoá giải nỗi sợ ở từng cấp độ bằng cách đóng kịch, vẽ vời, quay video
Dưới đây là một ví dụ về cách sử dụng kỹ thuật giảm nhạy cảm có hệ thống mình đã áp dụng với Cốm hồi bạn còn sợ ma:
8.Nếu nỗi sợ của con bạn khiến bé không thể tận hưởng các hoạt động hàng ngày ở nhà và ở trường, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa hoặc các chuyên gia tâm lý để loại trừ nguyên nhân trẻ bị rối loạn lo âu hoặc nhạy cảm thái quá