Vì sao trẻ 1-3 tuổi đi ngủ muộn hoặc không chịu đi ngủ? Hãy hỏi FOMO

Càng lớn, thế giới xung quanh trẻ chập chững càng trở nên hấp dẫn và quá nhiều thứ để tò mò. Sự tò mò là một viên gạch nền tảng cho những khám phá và sáng tạo không ngừng nghỉ của giai đoạn chập chững, nhưng chính nó lại là tác nhân gây nên sự choáng ngợp cả về cảm xúc và trải nghiệm mà não bộ đang phát triển của trẻ phải làm việc hết công suất. Và đó là lý do khủng hoảng 1,2,3 tuổi trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ huynh. Và các hành vi leo thang trước giờ đi ngủ cũng không ngoại lệ. 

Tôi chắc hẳn bố mẹ của bé 1-3 tuổi đã từng trải qua cảnh tượng quen thuộc này. Giờ đi ngủ đã đến. Bạn đưa “thiên thần” của mình vào phòng với hy vọng là mình có thể quay lại với các công việc khác trong chốc lát, nhưng rõ ràng là bạn đang nằm mơ – vì ngay khi bạn nhắc đến từ đi ngủ, thì như thể bạn vừa “giật” lấy đồ chơi yêu thích nhất của con mình, bé hét lên “KHÔNG!” với âm lượng đủ đánh thức cả thành phố. Và sau đó là nhiều màn đòi hỏi, ỉ ôi, mè nheo, khóc lóc chỉ với mục đích “Không ai phải nhắm mắt cả!”

Nghe quen không các mom? Tất cả những ai đã từng trải qua thế giới vừa thú vị vừa kiệt sức của tuổi chập chững đều hiểu rõ chúng ta đang nói đến – hội chứng FOMO ở trẻ 1-3 tuổi. Đối với những phụ huynh mới đang ngấp nghé bước vào cuộc hành trình, trước tiên, các bạn hãy thở sâu khi chúng ta cùng nhau giải mã về FOMO  hiện tượng tâm lý này sợ bị bỏ lỡ khiến con bạn tin rằng giấc ngủ chính là kẻ thù số một của mọi niềm vui trên đời!

FOMO ở trẻ chập chững là gì?

FOMO ở trẻ chững là nỗi sợ hãi hoặc lo lắng mà trẻ trải qua khi bé cảm thấy mình có thể đang và sẽ bỏ lỡ điều gì đó thú vị đang diễn ra xung quanh. Những cảm xúc này thường biểu hiện thành “cơn ăn vạ” hoặc các cuộc phản kháng xung quanh các nhiệm vụ đơn giản như đi ngủ đêm hoặc ngồi ăn cơm. Mặc dù FOMO thường được liên kết với người lớn – những người sợ bỏ lỡ các sự kiện hoặc trải nghiệm xã hội, nhưng nó cũng có liên quan trong thế giới của trẻ mới biết đi, dù ở một hình thức khác.

Vì sao FOMO lại xuất hiện ở trẻ chập chững? 

  1. Tò mò và Khám phá: FOMO ở trẻ chập chững có thể xuất phát từ mong muốn khám phá mọi thứ chúng mà trẻ cảm nhận được bằng các giác quan mọi lúc, mọi nơi
  2. Tương tác Xã hội: Khi trẻ chập chững phát triển nhận thức xã hội, trẻ trở nên nhạy cảm hơn với các hoạt động và tương tác của những người xung quanh. Việc trẻ đi ngủ trong khi mọi người vẫn còn thức, cho trẻ cảm giác mình đã bỏ lỡ thời gian chơi và tương tác với mọi người trong gia đình
  3. Thoải mái và An toàn: 1-3 tuổi là giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng xa cách, do đó, việc phải nhắm mắt ngủ trong khi bố mẹ còn thức cho trẻ cảm giác mình bị tách khỏi cha mẹ. FOMO có thể phát sinh như một phản ứng với nỗi lo lắng mất đi cảm giác an toàn đó.

FOMO Ảnh Hưởng Thế Nào Đến Giấc Ngủ Của Trẻ

FOMO có thể ảnh hưởng đáng kể đến thói quen giấc ngủ của trẻ chập chững, và là một trong những nguyên nhân chính khiến các hành vi giấc ngủ của trẻ leo thang. Dưới đây là một số cách mà FOMO ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ:

  • Không còn dấu hiệu buồn ngủ rõ ràng: Sự tò mò và nhu cầu khám phá đã choán hết tâm trí của trẻ chập chững, nên các dấu hiệu mệt của trẻ không thể hiện dấu hiệu mệt mỏi cho đến khi trẻ quá mệt và kiệt sức. Nhưng đến lúc đó thì trẻ lại đã bỏ lỡ cơ hội dễ dàng đi vào giấc ngủ, dẫn đến sự phản kháng nhiều hơn và khó vào giấc hơn (super overtired đó các mom)
  • Phản kháng đi ngủ: Đây là hành vi thường gặp nhất đối với trẻ chập chững với các biến thể sau:
    • Ngay khi cha mẹ nhắc đến giờ đi ngủ: Trẻ lăn ra ăn vạ “Không, con không buồn ngủ!” hoặc tìm mọi cách trì hoãn với câu nói quen thuộc “Chờ con tí”
    • Phản kháng hoặc trì hoãn thực hiện các hoạt động đi ngủ quen thuộc 
    • Đòi hỏi nhiều trước khi đi ngủ, ví dụ đòi uống nước, đòi đi tè, kêu buồn ị (Dù chả buồn tí nào), đòi mẹ đọc sách không ngừng nghỉ
    • Tưởng tượng và nghĩ rằng có thực thể siêu nhiên ở trong phòng 
    • Khóc lóc dai dẳng khi cha mẹ rời khỏi phòng 
  • Khó Đi Vào Giấc Ngủ: Ngay cả khi trẻ chấp nhận vào đi ngủ, nỗi sợ bỏ lỡ có thể khiến trẻ khó bình tĩnh tâm trí và chìm vào giấc ngủ. Điều này càng khuếch đại nếu như có một người đang thức nằm cạnh trẻ. Đó là lý do trẻ chập chững chưa tự ngủ hoàn toàn và phải có người lớn nằm cạnh ngủ càng ngày càng muộn 
  • Thức Giấc Ban Đêm: Trẻ có thể thức dậy thường xuyên hơn trong đêm, nghĩ rằng cha mẹ còn thức, và lo lắng rằng mình đang bỏ lỡ điều gì đó.
  • Giấc Ngủ Trưa Ngắn hoặc Hoàn Toàn Không Chịu Ngủ Trưa: FOMO có thể khiến trẻ 1-3 tuổi có giấc ngủ trưa ngắn hơn, vì trẻ QUÁ háo hức quay lại khám phá và chơi đùa. Ai cần ngủ trưa khi có quá nhiều điều thú vị để làm cơ chứ? (Nghe quen nhờ các mom) 
  • Khó hoặc không thể thư giãn với các hoạt động trấn an thông thường Nếu trước đây, các hoạt động trấn an của cha mẹ hoàn toàn giúp trẻ dịu lại và chìm vào giấc ngủ dễ dàng, thì khi bước vào tuổi chập chững, nhờ FOMO cùng hàng ngàn sự kích thích giác quan, phát triển khác trẻ bắt đầu chống cự lại các kỹ thuật này, thậm chí còn cáu kỉnh khó chịu. Trẻ quan tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh hơn là việc thư giãn. 

Cha mẹ nên làm gì bây giờ?

FOMO ở trẻ chập chững là một phần tự nhiên trong hành trình phát triển của trẻ. Do đó, hãy  thả lỏng và chấp nhận điều này như một bài học lớn trong lớp học làm cha mẹ của mình. Sau đó, tìm cách điều chỉnh các chiến thuật trước đó của mình để “sống chung với lũ”. Dưới đây là một vài gạch đầu dòng bạn cần lưu ý : 

  • NHẤT QUÁN LÀ CHÌA KHÓA: 100% các trường hợp gặp vấn đề kỷ luật giấc ngủ ở tuổi 1-3 tìm đến với EBE và tui đều gặp phải vướng mắc đầu tiên, đó là KHÔNG DUY TRÌ ĐƯỢC SỰ NHẤT QUÁN. Ngay khi thấy con bạn phản kháng, bạn từ bỏ sự nhất quán. Ngay khi thấy con đòi hỏi, bạn làm theo, không đặt ra một giới hạn nào. Con muốn đi tè 5 lần ư, mẹ vẫn dắt con đi. Con đòi đọc 10 cuốn sách hả? OK mẹ đọc đến khi mẹ mỏi mồm thì thôi. Con muốn uống nước nhưng đưa nước cho thì con không uống sao? Mẹ thì cằn nhằn rồi lại đâu vào đấy, mai mẹ lại lấy hết thứ này đến thứ kia cho con.  

Hậu quả là gì? Theo thời gian, các tín hiệu đến giờ đi ngủ của trẻ phai mờ dần và thay bằng thói quen mới: Đòi hỏi và phản kháng khi đi ngủ. Trẻ nhận thấy cha mẹ không nhất quán, giới hạn bị phá vỡ. Vậy thì còn chần chờ gì nữa, vượt rào và leo thang thôi, VÌ BỐ MẸ CHO PHÉP MÀ! Do đó, làm sao để duy trì kỷ luật ngủ cho con – CHỈ MỘT CÂU THÔI – NHẤT QUÁN. Và để làm được như vậy, cần tạo ra một số quy tắc để phù hợp với giai đoạn phát triển mới của trẻ

  • Tạo Môi Trường Ngủ Nhàm Chán Não bộ của trẻ FOMO liên tục tìm kiếm sự kích thích. Để đối phó với điều này, hãy tạo ra một môi trường yên tĩnh và không gây phân tâm cho giấc ngủ. Mục tiêu là làm cho không gian ngủ của chúng càng nhàm chán càng tốt, để trẻ  không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thả lỏng tâm trí và đi ngủ

  • Hạn Chế Các Hoạt Động Kích Thích Trước Khi Đi Ngủ: Tránh tham gia vào các hoạt động kích thích cao gần giờ đi ngủ. Khuyến khích các hoạt động yên tĩnh, thư giãn hơn trong giờ trước khi ngủ. Điều này giúp báo hiệu cho trẻ mới biết đi rằng đã đến lúc thư giãn và chuẩn bị nghỉ ngơi.

  • Công Nhận Cảm Xúc: Ghi nhận và xác nhận cảm xúc “Sợ bị bỏ lỡ” của trẻ. Đưa ra sự đảm bảo và an ủi trong khi giải thích rằng đôi khi bỏ lỡ một số thứ là điều bình thường. Giúp trẻ hiểu rằng mọi người đều cần nghỉ ngơi để tận hưởng các hoạt động một cách trọn vẹn.
  • Thời gian chất lượng trước giờ đi ngủ: Tạo cơ hội cho trẻ giao tiếp với bạn một cách chất lượng. Tương tác tích cực có thể giảm FOMO bằng cách cho phép trẻ giải phóng năng lượng và trao đổi suy nghĩ, khám phá điều mới cùng cha mẹ! Hãy biến FOMO của trẻ thành trải nghiệm học tập bằng cách giúp các bé hiểu tầm quan trọng của giấc ngủ đối với cơ thể đang phát triển, và việc ngủ trưa/tối sẽ mang lại năng lượng cần thiết để làm nhiều việc thú vị hơn khi thức dậy như thế nào. Để làm được như vậy, bạn sẽ cần ĐIỀU CHỈNH TRÌNH TỰ ĐI NGỦ của bé để phù hợp 

Mặc dù đầy thách thức, FOMO ở trẻ mới biết đi là hoàn toàn tự nhiên và là cách trẻ xử lý và thể hiện những cảm xúc lớn của chúng, nhưng điều này cũng đòi hỏi cha mẹ đảm bảo tính nhất quán, kiên trì và sáng tạo để duy trì kỷ luật cho trẻ. Giúp bé ngủ chất lượng bất chấp FOMO có thể trao quyền cho trẻ phát triển mạnh mẽ và lớn lên với sự tự tin vào khả năng khám phá và khám phá niềm vui của cuộc sống. Với những chiến lược phù hợp, bạn có thể hỗ trợ con mình duy trì kỷ luật ngủ hoặc tìm lại tự ngủ dễ dàng hơn—đồng thời giúp trẻ cảm thấy an tâm rằng chúng không bỏ lỡ bất cứ điều quan trọng nào!

Hương Đỗ - Mẹ Ong Bông

Tôi là Hương Đỗ - Tác giả, Dịch giả, Giảng viên với 9 năm nghiên cứu về nuôi dạy con. Đồng tác giả sách "Nuôi Con không phải là cuộc chiến", đạt giải Sách Hay 2017. Tôi chia sẻ kinh nghiệm về nếp sinh hoạt, ăn dặm, và kỷ luật tích cực, giúp cha mẹ Việt nuôi dạy con cái hiệu quả và nhẹ nhàng. Hãy theo dõi tôi tại: Facebook


Bài viết liên quan

Sử dụng “hậu quả” khi trẻ 1-3 tuổi không chịu đi ngủ (đi ngủ quá muộn)

Khi còn nhỏ con bạn từng ngủ ngon như cún con, nhưng kể từ khi ... Read More

Khủng hoảng tuổi 2-3 của những em bé có em sớm: hiểu nhu cầu đằng sau những hành vi của trẻ

“Mẹ chỉ yêu em, không yêu con!” – cậu bé 3 tuổi hét lên, mặt ... Read More

Vì sao trẻ 1-3 tuổi đi ngủ muộn hoặc không chịu đi ngủ? Hãy hỏi FOMO

Càng lớn, thế giới xung quanh trẻ chập chững càng trở nên hấp dẫn và ... Read More

Duy trì lịch sinh hoạt E.A.S.Y của con khi về quê ăn Tết

Tết là dịp đoàn viên gia đình, nhiều gia đình sẽ về quê sum họp. ... Read More

20+ đồ dùng ăn dặm tham khảo

Xem thêm