Trẻ 4 tháng ăn dặm được chưa? Tác hại ăn dặm sớm cần chú ý

Trẻ 4 tháng ăn dặm được chưa? Khi bé yêu của bạn bước qua mốc 4 tháng tuổi, có lẽ bạn bắt đầu tự hỏi liệu đã đến lúc nên bắt đầu hành trình ăn dặm hay chưa. Việc đưa ra quyết định này không chỉ dựa trên tuổi của bé, mà còn phụ thuộc vào sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. 

Trong khi mỗi bé có nhịp độ phát triển riêng, việc hiểu rõ những khuyến nghị về thời điểm và cách thức bắt đầu ăn dặm là cực kỳ quan trọng. 

Hãy cùng Mẹ Ong Bông khám phá những điều cần biết để xác định liệu bé 4 tháng tuổi của bạn đã sẵn sàng cho giai đoạn mới này hay chưa, đồng thời tìm hiểu những yếu tố cần xem xét để đảm bảo quá trình ăn dặm diễn ra suôn sẻ và an toàn.

Trẻ 4 tháng ăn dặm được chưa?

Thực tế, mỗi em bé có mốc thời gian bắt đầu ăn dặm riêng biệt, nhưng quy tắc chung là không nên cho bé ăn dặm trước 4 tháng tuổi.

Việc này không chỉ tăng nguy cơ béo phì và các vấn đề sức khỏe khác ở tuổi sau này, mà còn có thể gây nguy hiểm do trẻ có thể bị nghẹn, vì cơ quan tiêu hóa và khả năng nuốt của bé lúc này chưa đủ phát triển để xử lý thức ăn rắn.

Tác hại khi cho trẻ ăn dặm sớm

Ăn dặm sớm rất phổ biến ở Việt Nam khi có nhiều em bé đã được ăn dặm với nước cơm từ khi 2.5 tháng tuổi, và ăn bột ở mốc 3 tháng tuổi. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở nông thôn, mà tỉ lệ trẻ ăn dặm sớm ở thành thị cũng còn rất nhiều.

Lý do cha mẹ cho trẻ ăn dặm sớm:

Sau giai đoạn tăng cân thần tốc vào mốc 0-3 tháng tuổi, từ tháng thứ 4 trở đi trẻ bắt đầu tăng cân chậm lại. Ngoài ra, ở giai đoạn này trẻ còn có thể trải qua đợt biếng ăn sinh lý đi kèm với khủng hoảng ngủ. Do đó, trẻ có thể bú kém hơn, ngủ kém hơn và chậm tăng cân.

Điều này khiến các bậc phụ huynh hết sức lo lắng và có thể khiến họ nghĩ đến việc cho trẻ ăn dặm sớm hơn khuyến nghị và dấu hiệu sẵn sàng của con. Một số khác tin rằng thức ăn đặc sẽ làm dịu trẻ hay quấy khóc và từ đó trẻ được cho ăn dặm từ rất sớm.

Hậu quả của việc cho trẻ ăn dặm sớm

Hậu quả của việc cho trẻ ăn dặm sớm:

Tăng nguy cơ bị hóc, nghẹn: Khi bị cho ăn dặm sớm, rất nhiều cửa sổ cơ hội ăn dặm chưa được mở, trong đó có cánh cửa vận động. Thời điểm này, trẻ chưa đủ cứng cáp để có thể ngồi trên ghế ăn. Do đó, cha mẹ rất có khả năng sẽ để bé nằm ăn hoặc nửa nằm nửa ngồi. Phản xạ đẩy lưỡi của trẻ cũng vẫn còn tồn tại, và khiến trẻ chưa sẵn sàng nuốt thức ăn khác ngoài sữa. Những điều này sẽ khiến trẻ dễ bị sặc thức ăn vào đường hô hấp hoặc hóc thức ăn.

Tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa: Do cửa sổ tiêu hóa chưa thực sự được mở ra nên dịch và men tiêu hóa thức ăn đều chưa được sản xuất. Khi bé phải ăn dặm sớm, thực phẩm không được tiêu hóa đầy đủ khiến bé có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa như sống phân, tiêu chảy, hoặc do ít dịch tiêu hóa nên phân đông kết và dẫn tới táo bón.

Tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì: Do các cửa sổ cơ hội của ăn dặm đúng thời điểm chưa được mở, nên trẻ có thể chưa phát triển các tín hiệu báo hiệu no đói chính xác với thực phẩm, hoặc bố mẹ đã không chịu đọc và tôn trọng các tín hiệu này khiến trẻ ăn quá nhiều so với nhu cầu, gia tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Một số nghiên cứu đã khẳng định rằng việc cho trẻ ăn dặm trước 4 tháng tuổi sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì ở tuổi lên 3 cao hơn so với những trẻ được cho ăn dặm đúng lúc.

Tăng nguy cơ suy dinh dưỡng: Như đã đề cập đến ở phần 2, giai đoạn trước 9 tháng tuổi là giai đoạn trẻ phát triển và nhận dinh dưỡng chính từ sữa. Nếu ở giai đoạn biếng sữa sinh lý từ 3-5 tháng tuổi, trẻ được cho ăn dặm luôn thì lượng sữa trẻ bú được càng giảm. Bột (với carbohydat là chủ yếu và một số dưỡng chất khác) không thể giàu dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển của bé như sữa ở giai đoạn này. Hơn nữa, việc các enzym cho việc tiêu hóa thức ăn chưa xuất hiện sẽ có thể khiến cho trẻ không thể hấp thu được dưỡng chất từ thực phẩm để tăng trưởng tốt.

Gia tăng nguy cơ bệnh dị ứng: Khi ăn dặm quá sớm, lớp màng hấp thu của ruột chưa hoàn chỉnh nên sẽ hấp thu y nguyên các phân tử protein, kích thích các phản ứng dị ứng thực phẩm và các bệnh liên quan như hen,viêm da cơ địa.

Gia tăng nguy cơ mắc bệnh thận: Khi cửa sổ tiêu hóa chưa được mở, biểu mô đường tiêu hóa mới chỉ đang phát triển nên chưa thể đủ chức năng để phân cắt hết protein, lipid thành các mảnh nhỏ cho cơ thể sử dụng. Vì thế, thận sẽ làm việc quá sức nếu bé ăn những thực phẩm giàu protein, lipid và gây cặn lắng ở thận (theo sách Cẩm nang ăn dặm tích cực (Hương Đỗ Mẹ Ong Bông – Mai Chi Chi)

Dấu hiệu nhận biết các biểu hiện bé đã sẵn sàng ăn dặm

Dấu hiệu nhận biết các biểu hiện bé đã sẵn sàng ăn dặm

Bé đã cứng cổ, có khả năng tự ngồi và giữ đầu thẳng: có nghĩa là khi bạn ôm bé hoặc thậm chí khi bạn để bé tựa vào lòng, cổ của bé không chỉ giữ được thẳng trên đầu mình mà còn có thể linh hoạt quay đầu qua lại một cách dễ dàng và thoải mái.

Bé có thể ngồi chắc chắn trong ghế ăn: Trong trường hợp của việc ăn dặm bằng cách đút, không yêu cầu bé phải ngồi thẳng lưng như khi ăn dặm tự chọn. Mẹ có thể điều chỉnh ghế để nghiêng một chút về phía sau, hoặc sử dụng đệm tựa để hỗ trợ phần cổ của bé. Nếu bé có thể ngồi vững mà không lệch cổ về một bên hoặc không gục cổ ra phía sau khi được hỗ trợ như vậy, điều này báo hiệu bé đã sẵn sàng để bắt đầu hành trình ăn dặm.

Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý rằng, ngay cả khi bé chưa ngồi hoàn toàn vững, thì việc sử dụng ghế ăn dặm với nhiều góc độ điều chỉnh là cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho bé trong quá trình ăn. Tránh sử dụng các loại ghế rung hay ghế nằm để ăn bột, vì chúng có thể tạo ra nguy cơ sặc và không khuyến khích được thói quen ăn uống đúng cách cho bé.

Bé đã giảm hoặc mất đi phản xạ đẩy lưỡi: điều này biểu thị cho việc phản xạ tự nhiên của cơ thể trong việc loại bỏ thức ăn ra khỏi miệng đã giảm bớt, một cơ chế bảo vệ quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ hóc nghẹn khi bé chưa sẵn lòng bắt đầu quá trình ăn dặm. Thường thì sự suy giảm hoặc biến mất của phản xạ này là dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng để tiếp nhận thực phẩm khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Trên đây là những dấu hiệu này đánh dấu sự sẵn sàng của bé cho việc bắt đầu ăn dặm một cách an toàn. Thông thường, trẻ sẽ xuất hiện những dấu hiệu này vào khoảng 5 tháng tuổi, mặc dù một số bé có thể muộn hơn, và một số khác có thể chỉ bắt đầu cho thấy những dấu hiệu này khi đạt đến 6 tháng tuổi.

Câu hỏi liên quan

Cho trẻ ăn dặm sớm có tốt không?

Không, cho trẻ ăn dặm sớm không tốt vì hệ tiêu hóa và kỹ năng nuốt của trẻ chưa phát triển đầy đủ.

Nên tập cho bé ăn dặm từ mấy tháng tuổi?

Nên tập cho trẻ ăn dặm khi trẻ có dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm và được khoảng 6 tháng tuổi.

Xem thêm một số bài viết liên quan của Mẹ Ong

Hương Đỗ - Mẹ Ong Bông

Tôi là Hương Đỗ - Tác giả, Dịch giả, Giảng viên với 9 năm nghiên cứu về nuôi dạy con. Đồng tác giả sách "Nuôi Con không phải là cuộc chiến", đạt giải Sách Hay 2017. Tôi chia sẻ kinh nghiệm về nếp sinh hoạt, ăn dặm, và kỷ luật tích cực, giúp cha mẹ Việt nuôi dạy con cái hiệu quả và nhẹ nhàng. Hãy theo dõi tôi tại: Facebook


Bài viết liên quan

Lịch trình Hà Nội – Hội An (đi ô tô) dành cho gia đình có trẻ em 8 ngày 7 đêm

Mẹ Ong Bông gửi tặng bạn lịch trình đi ô tô  từ Hà Nội đi ... Read More
Chuyên gia hướng dẫn chọn ghế ăn dặm phù hợp cho bé

Chuyên gia hướng dẫn chọn ghế ăn dặm phù hợp cho bé

Ghế ăn dặm là một trong những sản phẩm quan trọng không thể thiếu trong ... Read More
Top những thực phẩm hữu cơ cho bé mẹ không nên bỏ lỡ

Top những thực phẩm hữu cơ cho bé mẹ không nên bỏ lỡ

Thực phẩm hữu cơ – Organic food là một xu hướng ngày càng phổ biến ... Read More
Các chế phẩm từ sữa và lưu ý khi sử dụng

Các chế phẩm từ sữa và lưu ý khi sử dụng

Các chế phẩm từ sữa là những sản phẩm dinh dưỡng quen thuộc trong cuộc ... Read More