Khi bé yêu của bạn bước vào giai đoạn phát triển mới mẻ và quan trọng – giai đoạn ăn dặm, có lẽ bạn đang tìm kiếm một phương pháp ăn dặm phù hợp, lành mạnh và thú vị cho cả bé và gia đình.
Trong số các lựa chọn hiện có, phương pháp ăn dặm bé chỉ huy, hay còn gọi là Baby Led Weaning (BLW), nổi bật với cách tiếp cận độc đáo và hiện đại, giúp bé phát triển kỹ năng ăn uống một cách tự nhiên và tự lập. Cùng Mẹ Ong Bông tìm hiểu thêm về phương pháp Ăn dặm BLW này nhé!
Ăn dặm tự chỉ huy là gì?
Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW), được phổ biến bởi Thạc sĩ, Tiến sĩ Gill Rapley, thực sự là một bước tiến mới mẻ và thú vị trong lĩnh vực nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Đây là phương pháp tập trung vào việc tôn trọng sự chủ động và tự lập của bé trong quá trình ăn uống. Dưới đây là một cái nhìn tổng quan về BLW:
Các Đặc Điểm Cơ Bản của BLW
Bé được khuyến khích tự bốc thức ăn và tự đưa lên miệng, phát triển kỹ năng vận động tinh và cảm giác tự chủ.
Thức ăn được cắt thành thanh dài, đủ to để bé cầm nắm dễ dàng và an toàn để tránh nguy cơ hóc.
Thường bắt đầu với các loại củ và trái cây như cà rốt, su su, su hào, bơ, chuối, vì chúng dễ chế biến và an toàn cho bé.
Giai Đoạn Phát Triển Kỹ Năng trong BLW
Giai Đoạn 1 – Tập Kỹ Năng: Bé học cách bốc thức ăn và đưa lên miệng, khám phá hương vị và kết cấu thức ăn.
Giai Đoạn 2 – Phát Triển Kỹ Năng:
Tập Bốc Nhón: Học cách bốc thức ăn nhỏ hơn và khéo léo hơn.
Tập Dùng Thìa: Bắt đầu làm quen với việc sử dụng thìa, ban đầu do cha mẹ hỗ trợ.
Giai Đoạn 3 – Hoàn Thiện Kỹ Năng: Bé có thể xúc thìa thành thạo và ăn được các món ăn giống như người lớn.
Lợi ích ăn dặm tự chỉ huy cho bé và mẹ
Lợi Ích Cho Bé
BLW cho phép bé khám phá và phân biệt màu sắc, mùi hương, và hương vị của các loại thực phẩm, qua đó kích thích sự phát triển của giác quan.
Bé học cách tự xử lý thức ăn an toàn, từ đó giảm nguy cơ bị hóc, sặc khi lớn lên.
Sự tiếp xúc với thức ăn thông qua cả 5 giác quan giúp kích thích sự phát triển não bộ, cũng như phát triển kỹ năng vận động tinh.
Bé học cách ăn uống một cách tự lập và tự giác, phát triển tình yêu với thức ăn và bữa ăn.
Lợi Ích Cho Cha Mẹ
Không cần chuẩn bị thức ăn riêng cho bé, mẹ có thêm thời gian cho các hoạt động khác.
Cả gia đình có thể tận hưởng bữa ăn cùng nhau tại nhà, khi đi du lịch hoặc ăn ở nhà hàng.
Khi bé ăn đa dạng thức ăn, cha mẹ dễ dàng quan sát và phát hiện nguyên nhân gây dị ứng.
Khuyết điểm của phương pháp ăn dặm BLW
Nhược điểm lớn nhất của BLW là bữa bộn và hết sức bừa bộn, vì bé sẽ dành thời gian để khám phá thức ăn và do chưa thành thạo nên con có thể làm rơi thức ăn vương vãi khắp nơi.
Đôi khi, việc đảm bảo bé nhận đủ dưỡng chất cần thiết qua BLW có thể khó khăn, vì bé có thể không ăn đủ lượng thức ăn cần thiết.Khó xác định chính xác lượng thức ăn bé đã ăn, điều này có thể làm cho việc theo dõi dinh dưỡng trở nên phức tạp.
BLW đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian của cha mẹ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi bé mới làm quen với việc tự xử lý thức ăn.
Dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm BLW
Bé có thể ngồi ếch trong khoảng ít nhất 30 giây. Sau đó, khi đặt bé vào ghế ăn, chèn hai bên và đằng sau, bé ngồi vừng mà không bị đổ ụp ra đằng trước hoặc nghiêng lệch sang hai bên.
Bé kiểm soát tốt cổ và đầu của mình.
Cầm đồ vật và đưa vào miệng.
Nhai, nhằn, mút đồ vật được đưa vào miệng.
Ăn dặm BLW có sợ hóc không?
Trên thực tế, trẻ ăn dặm kiểu nào nếu không được đảm bảo an toàn đều có nguy cơ bị hóc, sặc cao, không chỉ riêng trẻ ăn dặm bé chỉ huy. Nếu trẻ ăn BLW được ngồi trên ghế ăn dặm và được cung cấp thực phẩm đúng cách, tỉ lệ trẻ bị hóc là rất thấp.
Trẻ có thể bị ọe nhưng ọe là một phản xạ an toàn, giúp đẩy thức ăn khỏi họng bé khi bé chưa có khả năng nuốt nên việc trẻ ăn dặm BLW ọe khi chưa thể xử lý thức ăn là bình thường.
Mẹo giữ an toàn cho bé khi ăn dặm BLW
- Phân biệt rõ hóc ọe để xử lý tình huống đúng cách. Tuyệt đối không móc họng trẻ, cho trẻ uống nước hay xoa ngực trẻ khi trẻ đang ọe thực ăn vì điều này có thể khiến thức ăn vô tình đẩy sâu vào đường thở gây hóc. Hãy nhớ rõ Ọe không nguy hiểm – hóc nguy hiểm
- Tham gia học các lớp sơ cứu hóc sặc.
- KHông cho trẻ ăn thức ăn dễ gây hóc như hạt nhỏ, thức ăn cứng hoặc tròn, và các loại thức ăn dễ vón cục khi trẻ chưa có khả năng nhai nuốt thức ăn an toàn
- Luôn giám sát bé khi ăn và không bao giờ để bé ăn một mình.
- Bé nên ngồi thẳng trong ghế ăn cao hoặc trên ghế an toàn để giảm nguy cơ hóc nghẹn.
- Cha mẹ nên học các kỹ năng sơ cứu cơ bản, như cách xử lý khi bé hóc.
- Giữ không gian ăn uống yên tĩnh và không có xao lãng để bé có thể tập trung vào việc ăn.
- Cha mẹ cần hiểu biết về các dấu hiệu hóc nghẹn và cách xử lý nếu tình huống đó xảy ra.
Các giai đoạn của phương pháp ăn dặm bé chỉ huy
Giai Đoạn 1: Tập Kỹ Năng
Dạng thức ăn: Các loại củ, quả có thể cắt được thành hình thanh dài bằng ngón trỏ, độ lớn bằng hai ngón tay chụm lại.
Kỹ năng bé cần tập luyện:
- Bé cầm thức ăn rồi đưa lên miệng.
- Bé tập cách cắn, nhai để làm nhỏ thức ăn.
- Bé tập cách nuốt thức ăn để xử lý thức ăn một cách an toàn.
Những điều cần chú ý:
- Bé luôn luôn phải được ngồi ghế ăn khi ăn dặm bé chỉ huy.
- Bé sẽ ọe rất nhiều khi mới tập ăn, do chưa biết cách nuốt thức ăn. Khi bé xoay sở nuốt được thức ăn thì tình trạng ọe sẽ giảm đi đáng kể. Bé ọe không đáng lo, và hiện tượng ọe hoàn toàn khác hiện tượng hóc.
- Mẹ cần cho bé ăn sau khi đã bú sữa được ít nhất 1-1.5h, để khi bé ọe ra thức ăn thì có thể sẽ chỉ ọe ra sữa đã tiêu hóa. Sau khi bé không còn ọe nữa hoặc đã biết nuốt thành thạo, thì bé có thể ăn dặm ngay sau khi bú sữa.
- Thức ăn cần được hấp/luộc mềm hơn người lớn một chút, nhưng không quá nát để bé không bóp nát được. Mẹ có thể dùng dao lượn sóng để cắt thức ăn, giúp bé cầm nắm dễ dàng hơn.
- Thức ăn được đặt trực tiếp lên khay ăn.
- Mẹ không cầm thức ăn và đút vào miệng bé, không cho bé xem tivi, không giục giã bé ăn, không can thiệp quá nhiều vào quá trình ăn của bé.
- Bé nuốt được là khi trong phân có lẫn mẩu thức ăn. Phân của bé sẽ có lổn nhổn mẫu thức ăn, theo kiểu ăn gì ra nấy. Đây không phải là biểu hiện cho thấy bé đi phân sống.
- Khi bé nuốt tốt, mẹ cho bé tập ống hút.
- Không nêm mắm, muối, đường vào thức ăn của bé.
- Bé sẽ kết thúc giai đoạn tập bốc khi có dấu hiệu tập bốc nhón.
Giai Đoạn 2: Phát Triển Kỹ Năng
Tín hiệu muốn tập bốc nhón:
- Bé ném, vứt thức ăn.
- Bé bóp nát thanh thức ăn dài, sau đó, cố gắng nhặt những mẩu thức ăn vương vãi trên bàn và cáu khi không nhặt được.
- Bé giảm số ngón tay bốc thức ăn.
Dạng thức ăn:
- Khi bé tập bốc nhón: Mẹ cắt hoặc viên, nắm thức ăn bằng ⅔ hoặc ½ so với miếng thức ăn ở giai đoạn 1, và nhỏ dần cho đến khi bé bốc được miếng thức ăn nhỏ như hạt đậu Hà Lan.
- Khi bé tập dùng nĩa, thìa: Thức ăn được cắt/viên/nắm để có thể dùng nĩa xiên và đưa cho bé. Thức ăn được nấu ở dạng lỏng, sệt, dính để bé tập dùng thìa.
Kỹ năng bé cần tập luyện
- Giảm số ngón tay bốc thức ăn, dùng ngón trỏ và ngón cái (bốc nhón) để bốc thức ăn.
- Nuốt mà không bị ọe, biết nhè ra khi nuốt nhiều, biết cắn, xé thức ăn.
- Biết chấm, húp thức ăn.
- Biết dùng ống hút.
- Biết dùng nĩa và thìa.
Những điều cần chú ý:
- Khi thấy bé có dấu hiệu tập bốc nhón, mẹ hãy cắt nhỏ thức ăn thành các hình dạng khác nhau.
- Mẹ có thể thêm các cách chế biến và làm đa dạng thực đơn của mình ở giai đoạn tập bốc nhón trở đi vì khả năng xử lý thức ăn của bé đã khá tốt.
- Giai đoạn tập dùng nĩa, thìa đòi hỏi sự kiên nhẫn của mẹ vì đây là các kỹ năng khó, trung bình bé cần từ 3-6 tháng để hoàn thiện kỹ năng này. Ban đầu, mẹ cần cho bé làm quen với thìa, nĩa, bát ăn và hiểu công dụng của đó, sau đó bé bắt chước mẹ dùng thìa, và cuối cùng mới là tập luyện để thành thạo các kỹ năng này.
- Bên cạnh các kỹ năng chính, mẹ hãy cho bé thành thạo kỹ năng dùng ống hút, chấm thức ăn, và húp thức ăn từ bát/cốc, cầm cốc để uống nước.
- Giai đoạn này trùng với các thời kỳ tuần khủng hoảng 37, 46, 55, bé tập đi, tập đứng, nên các bé thường đòi ra khỏi ghé ăn hoặc khóc khi ngồi ăn, mẹ cần kiên trì thực hiện phương pháp và áp dụng kỷ luật bàn ăn cho bé.
- Vẫn tiếp tục không nêm mắm, muối, đường vào món ăn. Cho bé ăn bữa ăn có đủ 4 nhóm thực phẩm.
- Khi bé tập thìa thì mẹ vẫn cho bé bốc nhón để làm no bụng, sau đó mới giới thiệu các món ăn hỗ trợ tập thìa. Bé có thể làm quen với nĩa, thìa bắt đầu từ khoảng 8.5 tháng, hoặc khi bé bốc nhón thành thạo.
Giai Đoạn 3: Hoàn Thiện Kỹ Năng
Khi Bé Bắt Đầu: Có khả năng xúc thức ăn vào thìa và đưa lên miệng.
Kỹ Năng: Bé ăn uống giống như người lớn, có thể tập dùng đũa, ăn đa dạng thức ăn.
Lưu Ý: Có thể xuất hiện hành vi thử giới hạn như ném thìa, thức ăn. Cần sự nhất quán trong quy tắc.
Nguyên tắc khi cho trẻ ăn dặm tự chỉ huy BLW
Đối với thức ăn dành cho bé
Cung Cấp Thức Ăn Đa Dạng, Giàu Dinh Dưỡng: Đảm bảo bé nhận được đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết.
Đối với cách ăn của bé
Tôn Trọng Nhu Cầu Ăn Uống của Bé: Cha mẹ cung cấp thức ăn, nhưng bé quyết định ăn cái gì và ăn bao nhiêu.
Không Ép Bé Ăn: Quan trọng nhất là tạo môi trường ăn uống tích cực, không áp đặt hay ép buộc.
Các loại thực phẩm phù hợp với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy
Nhóm thực phẩm chứa chất dinh dưỡng cung cấp carbohydrate hay chất bột đường
Gạo, ngũ cốc: Gạo, yến mạch, quinoa, mì ống.
Củ và quả: Khoai tây, khoai lang, bắp cải, chuối.
Bánh mì và ngũ cốc: Bánh mì nguyên cám, ngũ cốc không đường.
Nhóm thực phẩm chứa chất dinh dưỡng cung cấp chất béo
Dầu thực vật: Dầu ô liu, dầu hạt cải.
Hạt và bơ hạt: Bơ lạc, bơ hạnh nhân.
Các loại hạt: Hạt hướng dương, hạt bí ngô.
Các loại bơ: Bơ (trái cây).
Nhóm thực phẩm chất dinh dưỡng cung cấp protein
Thịt: Thịt gà, thịt bò, thịt heo (nấu chín và cắt thành miếng nhỏ).
Hải sản: Cá hồi, cá ngừ (đảm bảo an toàn và không xương).
Thực phẩm từ sữa: Phô mai, sữa chua không đường.
Đậu và các sản phẩm từ đậu: Đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu phụ.
Nhóm thực phẩm chứa chất dinh dưỡng cung cấp vitamin và chất khoáng
Rau củ: Cà rốt, cải bó xôi, bông cải xanh, ớt chuông.
Trái cây: Cam, táo, dưa hấu, dâu tây.
Hạt và hạt giống: Hạt lanh, hạt chia (nấu chín hoặc mềm).
Thực đơn ăn dặm bé tự chỉ huy (khoảng 9 tháng tuổi)
Thứ Hai
Bữa Trưa: Bánh mì nướng, đùi gà luộc, bông cải xanh hấp, chuối.
Bữa Tối: Mỳ udon xào cá hồi, cà rốt, xoài.
Thứ Ba
Bữa trưa: cơm nắm, trứng đúc thịt rán, canh củ cải sườn non, lê.
Bữa tối: cơm nắm, bắp cải cuộn thịt om nấm, táo.
Thứ Tư
Bữa trưa: mỳ ý bolognese, khoai tây nướng, cà chua bi bổ đôi, nho bổ đôi.
Bữa tối: Cơm nắm muối vừng, đậu phụ xốt cà chua, đậu cove luộc, chuối.
Thứ Năm
Bữa trưa: Xôi gấc, cá tẩm bột chiên xù, súp lơ luộc, xoài.
Bữa tối: Nui xào tôm, rau cải bó xôi, lê.
Thứ Sáu
Bữa trưa: Cơm nắm, sườn rim nước dừa, Canh su su thịt gà, Sữa chua.
Bữa tối: Bánh mỳ nướng, cá hồi nướng xốt cam, su su hấp, Táo.
Thứ Bảy
Bữa trưa: Bún xào tim, hành tây + canh bí đỏ + Phô mai.
Bữa tối: Cơm nắm, tôm hấp, canh khoai tây cà rốt, Dưa hấu.
Chủ Nhật
Bữa trưa: Khoai lang nướng phô mai, thịt băm viên rán, dưa chuột, dưa hấu
Bữa tối: Cơm nắm, chả cốm, măng tây xào, Nho bổ đôi bỏ hạt.
Kết luận
Không chỉ là một trải nghiệm dinh dưỡng, ăn dặm BLW còn là cơ hội cho bé tương tác với gia đình trong bữa ăn. Bé có thể ngồi chung với mọi người trong gia đình và học hỏi từ việc quan sát cách mọi người ăn uống. Đây không chỉ là bữa ăn mà còn là cơ hội để tạo ra những kỷ niệm gia đình đáng nhớ.
Tuy nhiên, như mọi phương pháp, BLW cũng đòi hỏi sự chú ý và giám sát từ phía người lớn. Việc chọn lựa thức ăn an toàn, kiểm soát kích cỡ thức ăn và giữ cho bé ngồi chính thức là những điểm cần được chú ý để đảm bảo an toàn cho bé.
Xem thêm một số bài viết liên quan khác: