Hậu quả trong kỷ luật tích cực

Bên cạnh khen thưởng công nhận, hậu quả là công cụ quan trọng của kỷ luật tích cực để giúp con tiếp thu các bài học về giới hạn và có ý thực tự điều chỉnh hành vi.

Tầm quan trọng của Hậu quả

Theo bác sĩ Robert Mc.Kenzie tác giá cuốn thiết lập giới hạn cho trẻ cá tính “Hậu quả giống như những bức tường. Chúng chấm dứt hành vi tiêu cực. Chúng cung cấp câu trả lời rõ ràng và dứt khoát cho những câu hỏi nghiên cứu của trẻ, và chúng giúp trẻ cá tính mạnh học các quy tắc theo cách mà chúng tiếp thu tốt nhất ” – trải nghiệm rồi mới tiếp thu bài học.

Hậu quả là gì?

Hậu quả là điều cha mẹ thực thi để dạy con hiểu chuyện gì sẽ xảy ra sau khi con có một hành vi chưa phù hợp hoặc không hợp tác với cha mẹ.

Ví dụ: Khi bé vẽ lên tường, hậu quả là trẻ cần phải lau sạch tường và không được sử dụng bút màu trong 2 ngày.

Vì sao bạn áp dụng hậu quả mà vẫn không hiệu quả?

Trong các lớp học về kỷ luật tích cực của mình, ba mẹ đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm về những hậu quả mà họ đã áp dụng …và thường là không thành công.

Vậy vì sao rõ ràng ba mẹ đã đưa ra hậu quả cho con rồi mà vẫn chẳng xi nhê???

Các nguyên nhân bao gồm

• Hậu quả không ảnh hưởng tới “mong muốn” “lợi ích” của trẻ (đưa ra hậu quả mà bé mất đi, hay bị giảm bớt cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bé)

• Hậu quả thiếu nhất quán (mẹ đưa ra hậu quả nhưng mẹ không làm)

• Hậu quả dạng trừng phạt và 1 hậu quả áp dụng với mọi hành vi (Con cứ có hành vi không phù hợp là bị mắng, đánh…)

“Hậu quả có thể là các công cụ có tính giáo dục cao, nhưng tính hiệu quả của chúng phụ thuộc phần lớn vào cách bạn sử dụng chúng. Nếu bạn áp dụng chúng với thái độ trừng phạt, dễ dãi hoặc không nhất quán, hậu quả của bạn sẽ có giá trị giáo dục hạn chế và có thể dạy các bài học khác so với ý đồ của bạn.”

Ví dụ:

Nếu con bạn là một em bé không thích đọc sách, mà con đi xé sách và bạn đưa ra hậu quả là “Con mà xé sách thì mẹ sẽ cất hết sách đi” thì hậu quả đó được tính là không hiệu quả, vì việc cất hết sách chẳng ảnh hưởng gì đến trẻ, thậm chí còn làm trẻ vui.

Hoặc

Nếu em bé của bạn thường ném thức ăn khi không muốn ăn nữa, thì việc bạn đưa ra hậu quả là cất hết thức ăn đi thì là đúng ý của bé chứ không làm con dừng hành vi ném đồ khi đã no.

Thế nào là một hậu quả hiệu quả?

Hậu quả đạt được hiệu quả lớn nhất khi chúng được áp dụng ngay sau khi hành vi không được chấp nhận xảy ra.

Hậu quả thường phải liên quan tới tình huống hoặc hành vi bé vừa thực hiện.

(Ví dụ cất đồ chơi lên cao khi ném đồ chơi hoặc khi nào con đi giày xong thì mới đi chơi )

🌟 Đáng giá

Hậu quả cần phải khiến trẻ thấy tiếc nuối và nhận ra mình đã phải “trả giá” thế nào cho hành vi không phù hợp hoặc cho sự thiếu hợp tác của mình.

🌟 Nhất quán

“Hậu quả nhất quán rất quan trọng với quá trình nuôi dạy trẻ hiệu quả, nhưng sự nhất quán có phạm vi khá rộng. Đó là sự nhất quán giữa những gì chúng ta nói và làm, giữa hai bố mẹ với nhau, và giữa lần kỷ luật này với lần tiếp theo. Tất cả đều quan trọng. Quá trình áp dụng kỷ luật tích cực có thể bị phá hủy khi chúng ta không nhất quán ở một trong các lĩnh vực trên.”

Các loại hậu quả

👉 Hậu quả tự nhiên

“Hậu quả tự nhiên, giống như tên gọi của nó, thuận theo chiều hướng phát triển tự nhiên của một sự kiện hoặc một tình huống. …Hậu quả tự nhiên đòi hỏi ít hoặc không có sự tham gia của cha mẹ.”

“Hậu quả tự nhiên có thể là một công cụ có tính hướng dẫn hiệu quả trong các tình huống khi đồ vật bị mất, bị làm hỏng, hoặc bị trộm mất vì bất cẩn, khi trẻ có tính hay quên; khi trẻ lề mề và trì hoãn; và khi trẻ không thực hiện điều mình cần/nên làm.”

Ví dụ: Khi con không mặc áo lúc trời lạnh, ra ngoài con sẽ thấy lạnh. Khi con bất cẩn không cầm đồ cẩn thận, con có thể bị vỡ/mất đồ.

👉 Hậu quả logic/Hậu quả hợp lý

“Hậu quả hợp lý là cơ hội giáo dục có cấu trúc rõ ràng. Chúng được sắp xếp bởi người lớn, được trải nghiệm bởi đứa trẻ, và có liên quan một cách hợp lý đến tình huống hoặc hành vi.”

Ban đầu, sẽ khá khó để tìm ra được hậu quả phù hợp, bạn hãy nhớ một số từ khóa sau “Liên quan”: hậu quả cần liên quan đến tình huống/hành vi/ diễn ra ngay sau khi có tình huống/hành vi.

“Quyền lợi -Muốn/thích” (Privilege): hậu quả hợp lý sẽ làm trẻ mất đi quyền lợi nhận được/làm được điều con cực muốn/con cực thích.

Ví dụ:

Trẻ rất thích đọc sách, nếu trẻ không cất sách gọn gàng, sách sẽ được để lên cao.

Trẻ rất thích đi chơi sau khi học xong, nhưng không chịu dọn sách vở để đi chơi, vậy thì mẹ đặt đồng hồ, sau khi chuông reo con dọn xong sách vở thì con được sang nhà bạn chơi, nếu chuông reo con vẫn không làm, hôm nay mình sẽ ở nhà.

Hậu quả hợp lý có thể hướng dẫn trẻ điều chỉnh hành vi hiệu quả trong các tình huống hai trẻ tranh chấp, trẻ hung hăng, trẻ bày bữa, trẻ không hợp tác với lời nói của cha mẹ hoặc thói quen sinh hoạt thường ngày (phản kháng đi ngủ…), thiếu trách nhiệm với đồ vật, cố tình có hành vi không phù hợp, phá hoại, có hành vi gây ảnh hưởng tới đồ vật, người khác.

Thời lượng – thời gian áp dụng hậu quảa

“Hậu quả được thực thi hiệu quả nhất khi chúng tỷ lệ thuận với hành vi, đó là, không quá nhiều, không quá ít, không quá dài, và không quá ngắn.”

Ví dụ:

Khi một đứa trẻ 2 tuổi ném đồ ăn (không phải vì đã no mà là để chơi và thử phản ứng của cha mẹ) nếu cha mẹ dừng bữa ăn nhưng sau đó 30 phút lại cho con ăn bù, đây là quá ngắn và quá ít.

Ngược lại, nếu bữa sáng con ném đồ ăn thì chúng ta áp dụng hậu quả ngừng bữa ăn và không cho con ăn gì cả vào cả bữa trưa và bữa tối thì lại là quá dài và quá nhiều.

Hậu quả phù hợp là khi chúng ta thông báo trước về quy định để con lường trước điều gì sẽ xảy ra nếu con lựa chọn hành vi không phù hợp và phù hợp. Để con đưa ra lựa chọn và nếu lựa chọn đó là mọt hành vi không được chấp thuận, hãy dừng bữa ăn, ngưng cho con ăn bữa phụ của bữa sáng đó. Đến bữa trưa chúng ta lặp lại quy trình từ đầu.

Ngoài ra thời lượng và thời gian áp dụng hậu quả còn phải phù hợp với độ tuổi và khả năng phát triển về trí não và ngôn ngữ của trẻ.

Ví dụ hậu quả không đọc sách trong vòng 2 ngày khi không chịu cất sách là quá dài với một em bé 18 tháng nhưng có thể là ngắn với một cậu chàng 4 tuổi.

Lưu ý khi lựa chọn và thực thi hậu quả

Thiết lập quy tắc ứng xử chung trong gia đình:

Bộ quy tắc ứng xử gia đình (hay còn gọi là gia quy) sẽ giúp trẻ lường trước dược kết quả cho lựa chọn của mình, và giúp trẻ nhận thức rõ kết quả gì sẽ chờ đợi trẻ khi trẻ có hành vi chưa phù hợp hoặc không hợp tác. Các bộ gia quy thường sẽ bao gồm các tình huống cư xử thường ngày như cất đồ khi đi học về, xin phép khi lấy đồ hoặc đi chơi, tác phong bàn ăn, tác phong ngăn nắp dọn đồ, dọn phòng, chia sẻ đồ vật, không bạo lực…

Phù hợp với sự phát triển của trẻ:

Nếu đưa ra những hậu quả quá phức tạp với độ tuổi phát triển của trẻ, khiến trẻ không liên tưởng được việc mình bị tước quyền lợi với hành vi mình từng làm thì cũng sẽ không hiệu quả. Ngược lại, những hậu quả quá đơn giản với những trẻ lớn hơn, hiểu rõ hơn về nguyên nhân hệ quả, đặc biệt có thời gian dài vượt giới hạn thì cũng chỉ như muối bỏ bể mà thôi.

Ngoài ra, hãy chọn cách thông báo về hậu quả mà vẫn thỏa mãn nhu cầu phát triển của trẻ.

Điển hình là khi chúng ta báo cho con về hậu quả trước khi con thực hiện thói quen nào đó ví dụ hậu quả khi ném đồ ăn trước khi con ngồi vào bàn ăn, khi không dọn đồ chơi trước khi con chơi đồ chơi; hoặc khi chúng ta cho con lựa chọn giữa tuân thủ rồi được ghi nhận và không hợp tác rồi tiếp nhận hậu quả, thì chính là cách ta đáp ứng nhu cầu tự chủ, tự quyết của trẻ đang độ tuổi phát triển cái tôi mạnh mẽ.

• Lường trước những cơn ăn vạ

Những thời gian đâu khi xây mới bộ quy tắc gia đình và thực thi hậu quả (Đặc biệt với các gia đình đã thả lỏng kỷ luật, nề nếp quá lâu) thì việc con sẽ phản kháng, khóc, ăn vạ và tức giận trong thời gian đầu khi cha mẹ “nói là làm” hậu quả sẽ xảy ra. Điều này hoàn toàn bình thường, và con sẽ chấm dứt phản kháng khi con hiểu ra sự nhất quán của cha mẹ và sự tiếc nuối của bản thân.

Tránh tranh cãi với con khi thực thi hâụ quả

Điều này có thể tránh được với quy tắc gia đình, báo trước về hậu quả và/hoặc cho con lựa chọn, vì con đã được chuẩn bị trước cho điều sẽ xảy ra nếu mình không hợp tác/tuân thủ.

Chỉ tập trung vào hành vi chưa phù hợp của con, không phải con người của con.

Chúc ba mẹ thành công!

Trong bài viết có sử dụng nội dung từ sách Thiết lập giới hạn cho trẻ cá tính của bác sĩ Robert J.Mackenzie

Hương Đỗ - Mẹ Ong Bông

Tôi là Hương Đỗ - Tác giả, Dịch giả, Giảng viên với 9 năm nghiên cứu về nuôi dạy con. Đồng tác giả sách "Nuôi Con không phải là cuộc chiến", đạt giải Sách Hay 2017. Tôi chia sẻ kinh nghiệm về nếp sinh hoạt, ăn dặm, và kỷ luật tích cực, giúp cha mẹ Việt nuôi dạy con cái hiệu quả và nhẹ nhàng. Hãy theo dõi tôi tại: Facebook


Bài viết liên quan

Lịch trình Hà Nội – Hội An (đi ô tô) dành cho gia đình có trẻ em 8 ngày 7 đêm

Mẹ Ong Bông gửi tặng bạn lịch trình đi ô tô  từ Hà Nội đi ... Read More
Chuyên gia hướng dẫn chọn ghế ăn dặm phù hợp cho bé

Chuyên gia hướng dẫn chọn ghế ăn dặm phù hợp cho bé

Ghế ăn dặm là một trong những sản phẩm quan trọng không thể thiếu trong ... Read More
Top những thực phẩm hữu cơ cho bé mẹ không nên bỏ lỡ

Top những thực phẩm hữu cơ cho bé mẹ không nên bỏ lỡ

Thực phẩm hữu cơ – Organic food là một xu hướng ngày càng phổ biến ... Read More
Các chế phẩm từ sữa và lưu ý khi sử dụng

Các chế phẩm từ sữa và lưu ý khi sử dụng

Các chế phẩm từ sữa là những sản phẩm dinh dưỡng quen thuộc trong cuộc ... Read More